Kỹ thuật trồng và cấy tạo trầm hương
Kỹ thuật trồng và cấy tạo trầm hương, 83, Mai Tâm, Nông Nghiệp Nhanh
, 21/10/2016 10:38:54
Kỹ thuật trồng và cấy tạo trầm hương
Dưới dây là một số ý kiến chia sẻ của người trồng trầm về cách cấy tạo trầm hương:
“Kiến tạo ra chất giúp quá trình hình thành trầm trên cây dó nhanh hơn bất cứ phương pháp nào. Vậy nhưng, nếu lạm dụng, nuôi kiến trên cây thì hiệu quả tạo trầm chỉ đạt tỷ lệ khoảng từ 2- 3%”. Kiến ăn các loại thực vật và tạo ra chất lỏng có màu giống mật mía. Loại chất lỏng này kết hợp cùng chế phẩm được làm từ mật mía, mật ong, cám ngô, tinh dầu dừa sẽ thúc đẩy quá trình lên men và tạo ra chế phẩm vi sinh.
Chế phẩm vi sinh của tôi có thể tạo ra trầm loại 3 - 4 trong khi các chế phẩm hóa học khác chỉ cho kết quả trầm loại 5 - 6 (theo xếp loại, trầm loại 1 có màu đen bóng, mùi thơm như trầm tự nhiên, giá trị kinh tế cao." - Ông Khoan chia sẻ"Nói thêm về gió trầm, cơ chế tạo dầu của trầm có rất nhiều; Đầu tiên những cây dó 30-50 năm tuổi trong thân nó có nhiều cọng cơm chạy dọc theo thân (kiểu như lọm chuối) sau đó dầu dần dần bao phủ các cọng này, dọc theo cọng có hình thành các trai, khi đẩy gạn ra có hình như con trai. Các vết côn trùng đục, mưa gió gảy cành, thân cây tiết ra một loại dầu để bảo vệ như vết sẹo vậy và ngày càng dày thêm. Tôi đi theo toán làm trầm khoảng 6 tháng (ăn hết 6 balo gạo mới bắt đâu nhận biết sơ bộ về cây, loại trầm,..." - Bạn chanh lê chia sẻ
“Trầm thường xuất hiện nhiều ở các cây già cỗi, u bướu hoặc có bệnh, thường ở gốc rễ và đoạn thân trên 3m. Vì vậy nhiều cây dó tốt vun vút nhưng không có trầm, nên phải tạo trầm bằng phương pháp nhân tạo bắt chước tự nhiên, tạo vết thương lên cây dó. Theo đó, người trồng dó bầu dùng khoan gỗ khoan các lỗ có đường kính trên 1cm và giữ cho vết khoan không lành miệng để vi khuẩn và nấm dễ dàng xâm nhập; hoặc lấy nêm sắt đã hoen gỉ đóng vào thân cây dó tạo vết thương, khoảng sau 3 năm sẽ có các tia trầm hương (gọi là tóc trầm) xung quanh vết thương”. Ông Nguyễn Đức Phong ở xóm 8, xã Phúc Trạch chia sẻ
Ông Phong cho biết thêm: “Những cây dó không có sâu ăn tự nhiên ở thân là tôi khoan vào thân cây không quá 1/3 bán kính thân, cách mặt đất 1- 1,5m, khoan lỗ theo vòng tròn quanh thân, lỗ xen kẽ, chân chó (tức giao chéo nhau) trượt lên ngọn. Yêu cầu lỗ phải là 3×3 hoặc 3×6, độ sâu 3-4cm, hàng cách hàng, lỗ cách lỗ 10-15cm. Sau đó dùng một loại hoá chất kích thích tạo trầm đổ vào vết khoan. Bằng phương pháp này, khoảng hơn 1 năm sẽ xuất hiện tóc trầm”.
Kỹ thuật trồng và cấy tạo trầm hương được chia sẻ từ Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước: "Biện pháp kỹ thuật trồng trầm hương và biện pháp tạo trầm"
1/ Biện pháp kỹ thuật trồng cây Trầm hương
1.1 Kỹ thuật trồng
Cây Trầm hương thích hợp trên nhiều loại đất khác nhau, trừ đất bị ngập úng, đất đá vôi hoặc đất bị nhiễm phèn nhiễm mặn. Tuy nhiên, trước khi trồng ta nên chọn đất có các điều kiện như sau:
- Đất trồng phải giàu dinh dưỡng, tầng đất mặt dày 30–50cm, pH đất 5–6
- Đất phải thoát nước tốt vào mùa mưa và đủ nước tưới vào mùa nắng (cho 2-3 năm đầu).
- Đất trồng phải gần đường giao thông để thuận tiện cho vận chuyển và chăm sóc.
Hiện nay ở nước ta có các mô hình trồng cây Trầm hương như mô hình trồng cây Trầm hương trên đất rừng nghèo kiệt, mô hình trồng cây Trầm hương trên đất vườn hộ, mô hình trồng cây Trầm hương trên đất rừng sau nương rẫy (trồng thuần) và mô hình trồng xen cây Trầm hương với cây lâu năm hoặc cây hằng năm…Tùy theo mô hình trồng mà cách xử lý thực bì khác nhau.
- Tiêu chuẩn câu trồng:
+ Cây con khỏe mạnh, không sâu bệnh.
+ Cây con phải có bầu đất, không bị mất ngọn.
+ Cây từ 6 tháng tuổi trở lên.
+ Chiều cao cây từ 30 – 50 cm.
+ Đường kính thân (nơi tiếp giáp với mặt đất) khoảng 0.35 cm.
- Mật độ, cự ly trồng:
+ Mật độ: 1111 cây
- Kích thước hố đào
Tiến hành đào hố trồng theo hàng nọc đã cắm, kích thước hố trồng 40x40x40 cm.
- Phương pháp bố trí cây trồng
Trồng tập trung theo cự ly thiết kế, bố trí cây trồng theo đường đồng mức, theo hình nanh sấu.
- Bón lót phân
Vì diện tích đất khu vực nghèo mùn, có độ PH thấp từ 3,8 - 3,9 nên cần tăng cường bón phân hữu cơ nhất là bón phân chuồng hoai.
Khi đào hố trồng, lớp đất mặt để riêng một bên, sau đó dùng lớp đất này trộn đều với phân bón lót để lấp hố.
Phân bón lót gồm: 5 kg phân chuồng hoai, 100 g phân NPK cho một hố.
Hố lấp xong phải cao hơn mặt đất tự nhiên 2-3 cm. Công việc bón phân lấp hố phải tiến hành trước khi trồng 15-20 ngày.
- Vận chuyển cây và trồng
Sau khi chuẩn bị xong hố trồng, tiến hành vận chuyển và rải cây đến từng hố.
Khi vận chuyển hoặc xé vỏ bầu để trồng tránh làm vỡ bầu hoặc làm xây sát cây con. Dùng cuốc nhỏ moi một lỗ vừa với bầu đất, đặt cây ngay ngắn thân thẳng rồi lấp đất đều và chèn chặt, sau dó vun đất quanh gốc cao hơn lớp đất mặt 4-5 cm.
* Chú ý: Trước khi trồng nên tiến hành kiểm tra ẩm độ đất bên trong hố đào, nếu đất thiếu ẩm ta phải tưới nước ngay trước hoặc sau khi trồng. Sau trồng khoảng 7 ngày không mưa thì phải tưới. Sau khi trồng khoảng 2 tuần, cây bắt đầu ra lá non và bước vào giai đoạn phát triển.
-Thời gian trồng: Từ tháng 6-8, nên chọn những ngày có mưa nhỏ liên tục và thời tiết râm mát để trồng.
-Trồng xen canh: Để tận dụng hết khả năng sử dụng đất, đồng thời hạn chế sự phát triển của cỏ dại, cần trồng xen các loại cây nông nghiệp ngắn ngày như: Đậu, bắp… cây trồng xen phải cách cây trồng tối thiểu là 1m.
- Trồng dặm: Sau khi trồng được 1-2 tháng, tiến hành kiểm tra toàn diện và trồng dặm lại những cây đã chết.
Thời gian thực hiện trong tháng 8-9.
1.2 Các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây trồng
1.2.1 Chăm sóc năm thứ nhất
- Phát dọn cỏ chăm sóc cây trồng.
- Xới xáo quanh gốc đường kính từ 0,8 – 1,0m.
- Bón thúc phân N-P-K cho cây. Lượng phân bón khoảng 200gr/cây. Bón phân cách gốc 20-30cm, sâu 20cm.
- Sau khi trồng 06 tháng thời tiết bước vào mùa nắng, 1 tuần lễ tưới nước 1 lần.
- Phát băng phòng chống cháy
1.2.2 Chăm sóc năm thứ 2
Tiến hành chăm sóc 2 lần/năm vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa.
Các nội dung công việc chăm sóc như sau:
- Phát dọn cỏ chăm sóc cây trồng.
- Xới xáo quanh gốc đường kính từ 0,8 – 1,0m.
- Bón thúc phân N-P-K cho cây. Lượng phân bón khoảng 200gr/cây/lần. Bón phân cách gốc 20-30cm, sâu 20cm.
Chú ý: Ở lần bón thứ nhất (đầu mùa mưa) tỉ lệ N (đạm) và P (lân) nhiều hơn K (kali). Ở lần bón thứ hai (cuối mùa mưa) nên gia tăng lượng K giảm bớt lượng N và P. Vì ở lần bón cuối, thời tiết chuẩn bị bước vào mùa khô, nếu bón nhiều N cây sẽ phát triển xanh tốt, sức chịu hạn của cây giảm, dẫn đến hiện tượng rìa lá bị cháy hoặc lá bị khô rụng. Ngược lại bón nhiều K sẽ tăng cường khả năng chống chịu của cây với điều kiện môi trường.
- Tưới nước: Hai tuần tưới 1 lần
- Phát băng phòng chống cháy
1.2.3 Chăm sóc năm thứ 3
Tiến hành chăm sóc 2 lần/năm vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa.
Các nội dung công việc chăm sóc như sau:
- Phát dọn cỏ chăm sóc cây trồng.
- Xới xáo quanh gốc đường kính từ 0,8 – 1,0m.
- Tưới nước: 1 tháng tưới 1 lần
Để hạn chế quá trình bốc thoát hơi nước vào mùa nắng nên dùng xác bã thực vật như rơm rạ, thân cây họ đậu…tủ xung quanh gốc cây.
- Phát băng phòng chống cháy
1.2.4 Tỉa nhánh
Cây Trầm hương được hai năm tuổi thì tiến hành tỉa nhánh. Mỗi cây chừa từ 15 – 20 nhánh mọc từ thân chính (nhánh sơ cấp). Mỗi năm tỉa 4 đợt mỗi đợt cách nhau 3 tháng. Chú ý khi tỉa nhánh tránh làm tróc vỏ thân chính.
Tỉa nhánh nhằm tạo cho cây suông, thẳng để đến tuổi xử lý tạo trầm dễ dàng hơn. Ngoài ra tỉa nhánh cũng là một trong những cách tạo trầm vì gây ra vết thương cơ giới tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập vào thân cây. Ngày nay, nhánh cây Trầm hương được tận thu để làm bột nhang do đó việc tỉa nhánh còn mang lại nguồn thu đáng kể cho người trồng.
1.3 Các công trình bảo vệ
- Phòng chống cháy rừng: Hàng năm vào mùa khô tiến hành phát dọn sạch cỏ theo băng để cản lửa phòng chống cháy rừng. Phát dọn sạch cỏ quanh bìa lô.
- Phòng người và gia súc phá hoại: Chủ đầu tư (DNTN Trầm Hương Việt Hải) sẽ bố trí lượng lượng bảo vệ thường xuyên tuần tra, canh gác nhằm tránh con người và động vật phá hoại cây trồng. Tiến hành làm hàng rào hay đào hào để bảo vệ cây trồng.
1.4 Một số bệnh hại phổ biến ở cây Trầm hương và biện pháp phòng trừ
- Sâu hại: Cây Trầm hương ở giai đoạn từ 4 – 8 tháng tuổi thường xuất hiện các loại sâu ăn lá và sâu đục thân. Có thể dùng các hóa chất diệt trừ như Trebon 1,5-2ml/1lít nước hoặc có thể thay thế bằng Confidor (Liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất). Tốt nhất là nên phun thuốc theo định kỳ, khoảng 20 – 30 ngày phun một lần ở giai đoạn cây lớn có thể nuôi kiến vàng hoặc dùng đèn bẫy bướm để hạn chế sâu đục thân.
- Bệnh hại: Cây Trầm hương thường biểu hiện các loại bệnh sinh lý như đất bị ngập úng hoặc bị đóng váng hay bó chặt… có thể làm cây chậm lớn hoặc bị chết. Để khắc phục tình trạng này phải thường xuyên xới xáo và thoát nước cho cây.
Đối với cây còn nhỏ, vào mùa mưa thường xuất hiện bệnh thối đen thân, bệnh lở cổ rễ… có thể dùng hóa chất BAYPHYZAN để phòng ngừa và trị bệnh.
Trong tự nhiên, cây Trầm hương thường bị nhiễm bởi các loài nấm như: Aspergilus spp; Botryodplodia spp; Diplodia spp; Fusarium bulbiferum; Fusarium laterium; Fusarium oxysporum; Penicillium spp và Pythium spp. Tùy từng đối tượng gây bệnh mà ta có hóa chất và biện pháp phòng trừ khác nhau. Tuy nhiên, biện pháp hữu hiệu nhất là nên thực hiện tốt công tác phòng bệnh như luôn tạo cho vườn cây thông thoáng không bị ngập úng, phân bón phải cân đối và đúng liều lượng.
2/ Kỹ thuật cấy tạo trầm
2.1 Cơ sở lý luận của việc cấy tạo trầm
Trầm là tên gọi bao gồm tinh dầu và gỗ của cây Trầm hương. Sự tạo trầm là quá trình tích lũy tinh dầu ở một số khu vực của mô gỗ bên trong thân cây dưới tác động của yếu tố tự nhiên, theo cơ chế đặc biệt của cây. Quá trình này xảy ra trong một thời gian dài đến hàng chục năm. Nói cách khác, hiện tượng tụ trầm là kết quả của tiến trình bệnh lý diễn ra trong mô gỗ của cây Trầm hương. Gỗ cây Trầm hương có cấu trúc những tế bào Libe tập trung bên trong mạch gỗ và sẽ phản ứng với các tác nhân kích thích bên ngoài để tạo thành hợp chất Sesquiteipones tạo thành mùi đặc trưng cho gỗ trầm. Để cấy tạo trầm, trước hết phải tạo được vết thương đặc biệt trên tế bào Libe bên trong mạch gỗ. Việc làm này có thể dùng nhiều biện pháp như vật lý, hóa học, sinh học…Với những tác động vết thương bằng tác nhân thông thường không mang lại hiệu quả như mong muốn mà phải có chất xúc tác và tác nhân sinh học kèm theo.
2.2 Các phương pháp cấy tạo trầm
Mặc dù mỗi người có cách làm riêng, không ai giống ai nhưng nhìn chung việc cấy tạo trầm chỉ dựa trên 3 phương pháp cơ bản sau đây:
* Phương pháp vật lý (Gây vết thương cơ giới):
Đây là phương pháp tác động cơ giới vào thân cây dó - Phương pháp này chỉ là điều kiện cần cho quá trình hình thành trầm của cây - qua vết thương các loài vi sinh vật sẽ dễ xâm nhập vào trong thân cây để ký sinh. Phương pháp này rất đơn giản, dễ thực hiện nhưng xác suất thành công thấp.
* Phương pháp hóa học (Xúc tác hóa chất):
Một số hóa chất khi tiêm vào thân cây qua vết thương có tác dụng kích thích tạo trầm. Như đã trình bày ở trên, đây là loại hóa chất gì vẫn còn là điều bí mật. Phương pháp này rất hiệu quả, có thể tạo được nhiều trầm trong khoảng thời gian rất ngắn. Tuy nhiên phương pháp này có một số nhược điểm là trong sản phẩm nếu còn lại các thành phần hóa chất độc hại như Cl, SO4, NO2 và, PO3…sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và không được người tiêu dùng ưa chuộng
* Phương pháp sinh học (Men vi sinh):
Như chúng ta đã biết, khi cây gió bị bệnh, tức là do nấm hoặc vi khuẩn ký sinh trong thân cây, cây có phản ứng đề kháng bằng cách tiết ra nhựa để cô lập vết thương, trên cơ sở đó trầm được hình thành. Phương pháp cấy tạo trầm bằng men vi sinh, thực chất chỉ là phương pháp gây bệnh cho cây bằng một loại nấm hoặc vi khuẩn nào đó đã được xác định. Hiện nay việc nghiên cứu phương pháp này đã có những kết quả rất khả quan với các ưu điểm như tỷ lệ thành công cao và không để lại dư lượng độc hại trong sản phẩm.
Hiện nay có 3 phương pháp tạo trầm trên nhưng phần lớn mọi người dùng phương pháp hóa học để cấy tạo trầm.
2.3 Kỹ thuật cấy tạo trầm
Tạo trầm vào năm thứ 8, thời gian tạo trầm là 2 năm.
- a) Chuẩn bị
- Khoan điện, dây điện.
- Mũi khoan: 10 mm, số lượng: 2-3, sử dụng 01 còn lại dự phòng.
- Bình bơm: 01 cái (bình nhựa sử dụng trong phòng thì nghiệm loại 500ml).
- Đồ bảo hộ lao động (găng tay, kính bảo hộ, dây an toàn, giày bảo hộ).
- Thang.
- b) Thực hiện
* Khoan:
- Khoan cụm 2,hoặc 3 mũi (tuỳ theo đường kính cây).
- Độ sâu: 5- 6 cm
- Hướng xuống 40- 45 độ.
* Mật độ khoan:
- Khoan 3 hàng theo chiều dọc thân cây.
- Khoảng cách giữa hai cụm: 35- 40cm.
- Cụm mũi khoan hàng này so le với hàng khác.
* Bơm chế phẩm TDV
- Lắc đều chế phẩm ở bình lớn, sang qua bình bơm (500ml).
- Bơm vào các lỗ đã khoan vừa đầy, bơm từ dưới lên trên.
- Lắc đều trước khi bơm.
* An toàn
- Không khoan khi trời mưa,phòng điện giật.
- Kiểm tra thang, phải có dây an toàn khi ở độ cao.
- Đeo kính bảo hộ, găng tay khi sang và bơm chế phẩm.
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với chế phẩm.
* Ghi chú
- Bơm không quá 200 ml/cây (tuỳ theo cây lớn hay nhỏ mà lượng chế phẩm khác nhau, phụ thuộc độ sâu mũi khoan, đường kính mũi khoan, mật độ khoan).
- Từ 2- 3 ngày, sau khi thực hiện cấy tạo trầm, cây sẽ có hiện tượng xuống lá (lá rủ). Khoảng một tuần thì cây trở lại bình thường.Và 04 tháng sau, vạt dọc theo thân cây giữa hai cụm mũi khoan sẽ thấy chạy chỉ màu đen nối liền giữa hai cụm mũi khoan, đốt sẽ thơm mùi đặc trưng của trầm.
- 06 tháng sau, tiếp tục bơm lần thứ hai (kiểm tra nếu thấy cần thiết).
- Thời gian càng lâu tinh dầu càng nhiều, cây lâu năm chất lượng tinh dầu càng tốt.
>> Xem thêm: Kỹ thuật trồng cây Bạch đàn
Kỹ thuật trồng và cấy tạo trầm hương Trồng trọt, Kỹ thuật trồng, Cây giống, Giống cây Lâm Nghiệp, Giống cây Trầm Hương