Phân biệt công dụng của hai loại cây cùng có tên “bồ đề”
Phân biệt công dụng của hai loại cây cùng có tên “bồ đề”, 258, Huyền Nguyễn, Nông Nghiệp Nhanh
, 29/05/2024 12:18:35Trong đó, có hai loại dễ bị nhầm lẫn nhất: một loại là biểu tượng của Phật giáo và một loại cho vị thuốc “an tức hương” khá quen thuộc trong y học cổ truyền.
Cây bồ đề trong Phật giáo
Tương truyền, thái tử Tất Đạt Đa ngồi thiền dưới một gốc cây cổ thụ và giác ngộ thành Phật, vì thế, cái cây nơi ngài ngồi được gọi là cây bồ đề (phiên âm “bodhi” trong tiếng Phạn có nghĩa là giác ngộ).
“Tiếng chuông lay bóng bồ đề
Con chim trắng cánh bay về tây thiên“.
(Ca dao)
Nguồn fanpage In Kỹ Thuật Số: Tranh Phật Thích Ca | In Kỹ Thuật Số Since 2006 | Tranh canvas
Đức Phật ngồi dưới cội bồ đề - Nguồn: In Kỹ Thuật Số Since 2006
Trong dân gian, hình ảnh cây bồ đề là biểu tượng của Phật giáo nhưng cũng có khi, nó trở nên gần gũi nơi chùa chiền (“cây đa cây đề”) và cũng có khi được mượn để thể hiện tình cảm:
“Cây bồ đề, lá cũng bồ đề
Bao giờ mới được ngả kề bên em.”
(Ca dao)
Ngày nay, cây bồ đề được ưa chuộng để làm cây cảnh, nhất là trong khuôn viên chùa chiền Phật giáo, đồng thời cũng được trồng làm cây cảnh mini để bàn. Cây có tên khoa học là Ficus religiosa (ở Trung Quốc gọi là bồ đề thụ 菩提树) (1).
Đặc điểm
Cây thuộc dạng cổ thụ lâu năm, có thể cao đến 30 m. Điểm đặc biệt của lá bồ đề là có hình trái tim với phần đuôi lá kéo dài đặc biệt, cuống lá cũng dài từ 6 – 10 cm.
Lá bồ đề
Công dụng làm thuốc
Ở Việt Nam ít đề cập đến công dụng làm thuốc của cây bồ đề thụ. Tuy nhiên, theo tư liệu từ cổng thông tin điện tử Trung Quốc thì cây được dùng điều trị hen suyễn, tiểu đường, tiêu chảy… Tuy nhiên, so với các vị thuốc phổ biến khác thì công dụng của loài này chưa thực sự nổi trội (1).
Cây bồ đề thường dùng trong y học – Việt Nam an tức hương
Trong y học, ta có vị thuốc “an tức hương” được lấy từ nhựa cây bồ đề, tức cây bồ đề trắng, cánh kiến trắng, an tức hương, an tức Bắc Bộ, thoán hương… (ở Trung Quốc gọi là “Việt Nam an tức hương” 越南安息香).
Cây có tên khoa học là Styrax tonkinensis (2).
Việt Nam an tức hương (cánh kiến trắng)
Đặc điểm
Cây thuộc loại thân gỗ, có thể cao đến 20 m, lá cây hình trứng với đuôi lá nhọn, mặt dưới lá có phủ lớp lông trắng bạc. Hoa của cây có màu trắng và mọc thành chùm (3).
Công dụng làm thuốc
Nhựa cây Việt Nam an tức hương (cây cánh kiến trắng) được gọi là an tức hương, có mùi hương vani đặc biệt và có tính ấm, giúp khai khiếu và trấn tĩnh tinh thần.
Vị thuốc an tức hương
Cụ thể, ta có thể kể đến một số bài thuốc thường dùng an tức hương như:
- Điều trị viêm nha chu: lấy một lượng vừa đủ nhựa cây cánh kiến trắng (an tức hương), hòa với rượu rồi ngậm, sau một lát thì nhổ bỏ (3).
- Giúp mau lành da trong trường hợp vú nứt nẻ và vết thương ngoài da: lấy một lượng vừa đủ nhựa cây cánh kiến trắng mài với mật ong rồi thoa lên da (3).
- Dùng trong trường hợp hôn mê do trúng phong, đau bụng, lạnh bụng và thổ tả: lấy nhựa cây cánh kiến trắng (từ 1 – 2 g), mài với rượu rồi uống (3).
Đối tượng cần tránh:
- Những người âm hư hỏa vượng không được uống an tức hương.
- Những người cao huyết áp và đang sốt hâm hấp không được uống.
- Những người bị bệnh mà không liên quan đến ác khí, tà khí cũng không nên uống (4) (5).
Ngày nay, an tức hương ít được dùng trong y học nhưng lại được ứng dụng trong ngành hương liệu và sản xuất mỹ phẩm. Khi mua dùng, bạn nên chọn loại có màu vàng nhạt và thơm (loại có màu nâu sẫm là loại kém) (3) (4).
Thông tin thêm
Ngoài hai loại trên thì ở nước ta còn có các cây khác mà tên gọi cũng có chữ “bồ đề” như:
- Bồ đề lá răng (hay còn gọi là an tức răng), có tên khoa học là Styrax serrulatus, nhựa cây này được dùng làm thuốc sát trùng ngoài da.
- Bồ đề vỏ đỏ (hay còn gọi là bồ đề nhựa), có tên khoa học là Styrax benzoin, nhựa cây này cũng được dùng như nhựa cây bồ đề lá răng.
- Bồ đề xanh lá nhẵn, có tên khoa học là Alniphyllum fortunei, rễ cây được dùng điều trị thủy thũng và phong thấp (3).
Phân biệt công dụng của hai loại cây cùng có tên “bồ đề” Cây giống