Chế độ dinh dưỡng, thức ăn trong chăn nuôi heo
Chế độ dinh dưỡng, thức ăn trong chăn nuôi heo, 189, Mai Tâm, Nông Nghiệp Nhanh
, 17/02/2017 15:25:57Để khẩu phần ăn có thể đáp đủ nhu cầu dưỡng chất cho từng loại heo đòi hỏi cần phải có những kiến thức cơ bản về vấn đề dinh dưỡng. Ngoài việc đáp ứng được 2 yếu tố là Dưỡng khí và Nước, cần phải quan tâm đến những dưỡng chất vô cùng quan trọng khác nữa như Protein, Năng lượng, Vitamin, Khoáng và các loại sản phẩm dinh dưỡng bổ sung khác (Enzyme tiêu hóa, Probiotic, Axit hữu cơ…).
Chế độ dinh dưỡng, thức ăn trong chăn nuôi heo
Kinh nghiệm được chia sẻ từ người nuôi heo:
Anh Hiệp xin tư vấn:
"Kính chào mọi người,
Mình tên Hiệp, năm nay 22 tuổi, mình luôn ấp ủ khát khao thoát nghèo và làm giàu, giờ đây mình muốn hành động, muốn bắt đầu bằng việc nuôi heo, trước tiên là quy mô nhỏ đã ạ. Vì biết rằng khởi đầu là khó khăn, vốn trong tay và điều kiện gia đình không nhiều nên mình muốn xin kinh nghiệm của các anh chị, các bác đi trước ạ. Mình xin được mọi người tư vấn một số vấn đề dưới đây:
1) Những rủi ro thường gặp trong chăn nuôi lợn là gì? (quy mô 50con).
2) Chăn bằng thức ăn công nghiệp thịt có ngon không? (Quê mình người ta toàn chăn bằng rau lang thân chuối thôi, cám công nghiệp chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ như là chút mì chính trong bữa ăn chúng ta thôi, nên thịt ngon lắm, rang không ra nước).
3) So với dùng cám công nghiệp 100% thì chăn bằng thức ăn tự nhiên (rau lang, lúa ngô khoai sắn...+ cá) loại nào có hiệu quả hơn? (quy về giá thức ăn thì cái nào đắt hơn, về chất lượng thịt, về sự tăn trọng của lợn thịt).
4) Thuốc thang chi cho 1 con lợn từ khi đẻ ra đến khi xuất chuồng khoảng bao nhiêu tiền/con 100kg?).
5) Có loại cám công nghiệp nào cho chất lượng thịt ngon như thức ăn tự nhiên không?
6) Giống lợn gì ưu việt? (Quê mình toàn nuôi kiểu mỗi nhà 4-5 con, có nuôi nái nhưng không biết đó là giống lợn gì?)
7) Trung bình lợn thịt thì bao lâu sẽ được xuất chuồng?"Bạn sử dụng thức ăn công nghiệp hay tự nhiên khi nuôi thì cũng đều được. Quan trọng là phải đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng và khẩu phần cho heo. Các yếu tố dinh dưỡng bào gồm: Tinh bột (bột đường), Đạm (protein), Khoáng (đa lượng, vi lượng), Sinh tố (vitamin). Ngoài ra một số chất xơ, chất béo v.v… cần có một tỷ lệ nhất định trong khẩu phần." - Anh Quyết chia sẻ
Một số ảnh hưởng của sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng trong chăn nuôi heo
Thiếu năng lượng: Lợn sinh trưởng, phát triển chậm, năng suất và chất lượng sữa kém, lượng tinh dịch ít. Lợn con sơ sinh có khối lượng nhỏ
Thiếu đạm: Lợn sinh trưởng và phát triển chậm tích lũy nạc kém, năng suất và chất lượng sữa kém, lượng tinh dịch ít. Lợn con sơ sinh có khối lượng nhỏ.
Thiếu vitamin: Tỉ lệ chết phôi cao. Lợn con sơ sinh giảm sức sống, dễ bị chết yểu, dễ còi cọc, dễ mắc các bệnh về thiếu máu, về mắt, về da,…
Nhu cầu dinh dưỡng của các loại heo ở các giai đoạn khác nhau
Các loại heo ở các giai đoạn tuổi khác nhau có nhu cầu dinh dưỡng rất khác nhau. Người chăn nuôi heo cần nắm vững đặc điểm nhu cầu dinh dưỡng của từng loại lợn ở các giai đoạn để cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho lợn phát triển.
Đối với lợn cái hậu bị
Lợn cái hậu bị cần được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để chuẩn bị cho cơ thể bước vào giai đoạn phối giống, mang thai và nuôi lợn con.
Nếu cho lợn cái hậu bị ăn quá nhiều tinh bột so với nhu cầu thì lợn quá béo dẫn đến nân sổi (không động dục) hoặc động dục thất thường, không thụ thai, tỷ lệ chết phôi cao dẫn đến đẻ ít con.
Nếu lợn cái hậu bị không ăn đầy đủ chất dinh dưỡng lợn sẽ bị gầy, chậm hoặc không động dục, kéo dài tuổi phối giống lần đầu, không tích lũy đủ cho cơ thể trong quá trình mang thai và nuôi con sau này.
Đối với lợn nái chửa
Lợn nái chửa cần được cho ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để nuôi bào thai phát triển tốt. Thời gian chửa của lợn nái là 114 ngày (dao động từ 110- 118 ngày), được chia làm 2 giai đoạn với nhu cầu dinh dưỡng khác nhau dựa trên mức độ phát triển của bào thai:
Giai đoạn chửa kỳ 1 (từ khi phối giống đến ngày chửa thứ 84): thức ăn phải đảm bảo số lượng và chất lượng để bào thai phát triển tốt và lợn mẹ tích lũy vào cơ thể chuẩn bị cho thời kỳ nuôi con.
Giai đoạn chửa kỳ 2 ( từ ngày chửa thứ 85 đến khi đẻ ): lượng thức ăn cần cho lợn nái chửa kỳ 2 tăng lên khoảng 25- 30% so với chửa kỳ 1 để cung cấp đủ dinh dưỡng nuôi bào thai phát triển. Thời kỳ này bào thai lớn nhanh (chiếm 65- 70% khối lượng lợn con sơ sinh).
Đối với lợn nái nuôi con
Lợn nái nuôi con cần được cho ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để duy trì thể trạng của bản thân và tiết đủ sữa nuôi con.
Thức ăn cho lợn nái nuôi con cần giàu chất dinh dưỡng hơn thức ăn cho lợn cái hậu bị, lợn nái chửa. Cần tăng cả về số lượng và chất lượng thức ăn cho lợn nái.
Đối với lợn thịt
Nhu cầu dinh dưỡng của lợn thịt được chia làm 3 giai đoạn: Lợn con khoảng 10- 30 kg, lợn choai khoảng 31- 60 kg, lợn vỗ béo từ 61 kg trở lên.
Lượng thức ăn hang ngày cho lợn thịt cần tăng dần tùy theo lứa tuổi và khối lượng lợn để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng.
Kinh nghiệm chăm sóc chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn cho heo thịt được chia sẻ từ Người chăn nuôi: "Thức ăn cho heo thịt đủ dưỡng chất"
Sau khi có những thông tin cần thiết về nhu cầu dinh dưỡng của heo thịt, bà con chuẩn bị các loại thức ăn cho heo thịt theo các yêu cầu năng lượng, khoáng, protein…
Khẩu phần thức ăn hàng ngày của heo gồm các chất chính sau:
Tinh bột (bột đường), Đạm (protein), Khoáng (đa lượng, vi lượng), Sinh tố (vitamin)
Ngoài ra một số chất xơ, chất béo v.v… cần có một tỷ lệ nhất định trong khẩu phần. Các chất dinh dưỡng này đều được cung cấp từ thức ăn. Người ta phân chia ra các loại thức ăn như sau:
1/ Thức ăn cho heo thịt giàu năng lượng
Thức ăn giàu năng lượng là thức ăn cơ bản nhất trong chăn nuôi heo, bao gồm: các loại hạt ngũ cốc, cám, khoai, sắn, rỉ đường…
Chất bột cung cấp nhiệt lượng để cơ thể điều hoà, cân bằng nhiệt và cung cấp nhiệt năng cho mọi hoạt động của heo. Ăn nhiều tinh bột cơ thể sẽ chuyển hoá thành mỡ dự trữ, heo béo nhanh do tích luỹ mỡ. Thiếu chất bột cơ thể không hấp thu được đạm, heo gầy nhanh, dễ kiệt sức.
Heo nái nếu ăn nhiều tinh bột, heo sẽ tích luỹ nhiều mỡ, nhất là mỡ lá làm bào thai bị ép, ảnh hưởng đến sự phát triển của heo con, con đẻ ra không đều, ít con. Nhưng với heo nái nuôi con mà thiếu tinh bột, heo mẹ sẽ không hấp thu đủ protein để biến thành sữa nuôi con, dễ dẫn đến bệnh sưng vú và ít sữa.
Một số tính chất của các sản phẩm chứa tinh bột:
Cám: là thành phần chính trong thức ăn tinh của heo.
Trong khẩu phần, cám chiếm tỷ lệ 40-45% cho heo lớn, còn heo con không quá 25%, heo ăn quá nhiều cám dễ ỉa chảy.
Cám nhanh hút ẩm nên dễ bị mốc, hôi, giảm các chất dinh dưỡng và vitamin thành thức ăn độc. Cám không nên giữ lâu quá 1 tháng.
Ngô: là thức ăn nhiều tinh bột có giá trị. Ngô cũng không để lâu được dễ sinh nấm mốc và mất các vitamin như vitamin A có trong ngô vàng.
Tấm: là loại tinh bột có giá trị. Cho heo ăn sống, tấm cần được nghiền nhỏ để dễ tiêu. Với heo con tấm cần được nấu chín. Heo ăn tấm thịt chắc và có màu trắng.
Thức ăn củ: sắn, khoai, dong riềng tuy có nhiều tinh bột, nhưng thiếu một số chất khác nên không thể thay thế được tấm, cám, ngô trong khẩu phần ăn của heo. Củ thường chứa độc tố nên khi dùng sắn tươi, khoai tây phải nấu chín để tránh ngộ độc và dễ bảo quản.
Củ khoai tây lên mầm có độc tố gây rối loạn thần kinh và bộ máy tiêu hoá, cần được luộc chín và ăn với số lượng ít.
Các phụ phẩm:
– Bỗng rượu, bã đậu cung cấp năng lượng, một ít số sinh tố và đạm.
– Bã bia có tinh bột, đạm, khoáng, sinh tố nhưng không thể thay thế thức ăn chính. Chủ yếu dùng nuôi heo thịt.
– Rỉ mật cung cấp năng lượng, đạm ít, khoáng nhiều nhưng ăn không quá 5-10% trong khẩu phần hàng ngày, nếu ăn nhiều quá dễ ỉa chảy và khát nước.
– Cơm nguội và thức ăn thừa của người, lượng dinh dưỡng không nhiều, dễ bị chua. Khi cho ăn phải nấu lại và bổ sung thêm đạm.
2/ Thức ăn cho heo thịt giàu protein
Trong các thức ăn giàu tinh bột cũng có một tỷ lệ protein nhất định, nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu protein cho các loại heo khác nhau, do đó, khi sử dụng, người ta phải hỗn hợp với các loại thức ăn giàu protein.
Thức ăn giàu protein gồm có:
a/ Protein thực vật
- Đậu tương có tỷ lệ proein cao, ít vitamin và khoáng, nhiều chất béo, cần phải rang khô để sử dụng.
- Khô dầu đậu tương có nhiều proein và tương đối cân bằng về axit amin.
- Bã đậu ít protein hơn, có nhiều sinh tố dùng làm thức ăn bổ sung rất tốt.
- Khô dầu lạc là thức ăn có protein cao, tuy nhiên loại thức ăn này thường thiếu sinh tố và khoáng đồng thời dễ bị nhiễm độc tố aflatoxin.
b/ Protein động vật
- Bột cá: dùng trong chăn nuôi chủ yếu là bột cá, nguồn protein cần thiết trong khẩu phần ăn của heo, vì có nhiều axit amin không thay thế. Nhưng cũng không thể vượt quá 10% trong khẩu phần ăn hàng ngày.Trong bột cá có bột cá nhạt với tỷ lệ protein cao dùng rất phổ biến trong chăn nuôi heo. Bột cá mặn (xác mắm) có tỷ lệ protein thấp hơn và tỷ lệ muối cao, khi sử dụng cần tính toán sao cho lượng muối không quá 0,5% trong khẩu phần. Heo ăn nhiều muối dễ bị ỉa chảy.
- Protein giúp tạo ra các phân tử trong thịt, xương, lông da, phát triển tế bào để heo tăng trọng lượng cơ thể. Heo nái cần nhiều protein để bào thai phát triển vàsản xuất sữa nuôi con. Đối với heo hướng nạc, nhu cầu protein cần cao hơn để sản xuất thịt.
- Protein do nhiều axit amin như lysine, methionine, tryptophan, arginine, valine v.v… tạo thành. Trong protein động vật (bột cá, bột tôm v.v…) có gần đủ các axit amin nói trên, nhưng trong protein thực vật lại thiếu một số axit amin cần thiết. Vì thế, trong chăn nuôi heo người ta thường phối hợp cả hai loại protein động thực vật để bổ sung cho nhau và hạ giá thành thức ăn.
- Trong thức ăn protein, lysine có vai trò quan trọng nhất. Khẩu phần đủ lysine heo tăng trọng nhanh, hiệu quả sử dụng thức ăn tốt và chất lượng thịt cao.Nhu cầu protein thô (%) trong thức ăn hỗn hợp cho các loại heo.
3/ Thức ăn khoáng cho heo thịt
- Chất khoáng rất cần cho cơ thể heo. Khoáng góp phần tạo tế bào, điều hoà sự hoạt động của các cơ quan nội tạng, đồng hoá thức ăn protein và chất béo.
- Thiếu khoáng năng suất thịt giảm, heo bị còi, cơ thể suy nhược, tạo điều kiện phát sinh các bệnh như lao, bại liệt.
Các chất khoáng gồm 2 nhóm: khoáng đa lượng và khoáng vi lượng.
a/ Khoáng đa lượng: gồm một số như Ca(canxi), P (photpho), Cl (Clo), Mg (magiê).
- Canxi (Ca): Ca cùng với photpho (P) cấu tạo nên xương, răng và có trong máu, trong tế bào. Nguồn cung cấp canxi cho heo thường là vôi bột (vôi tã), vỏ sò nghiền sống, mai mực,...
- Phốt pho (P): cùng với Ca giúp cho heo nái dễ thụ thai, heo thịt phát triển xương. Tác dụng của P thường cân đối với Ca như sau: Ca / P = 1,4.
b/ Khoáng vi lượng: Gồm Iode, đồng, sắt, coban, mangan.
Số lượng khoáng vi lượng trong cơ thể heo cần rất ít nhưng tác dụng rất lớn. Trong thức ăn thực vật, rau cỏ tươi có nhiều khoáng vi lượng. Nhu cầu các chất khoáng vi lượng trong thức ăn hỗn hợp cho heo tính theo thức ăn khô không khí (NRC 1998).
4/ Thức ăn cho heo thịt giàu vitamin
Cơ thể heo còn cần các loại vitamin để phát triển, sinh sản và phòng ngừa bệnh tật. Các vitamin vào cơ thể heo qua nguồn thức ăn hàng ngày gồm:
- Vitamin A: có trong ngô vàng, cám gạo, các loại rau cỏ tươi non, trong dầu gan cá Thiếu vitamin A heo không lớn, còi, mặt sưng (nhìn quáng gà) mắt khô, heo đi đứng xiêu vẹo, chân cứng đơ nhất là chân sau. Heo nái thiếu vitamin A dễ bị nân sổi, heo con ỉa chảy, chết dần.
- Vitamin B: chủ yếu là B1 và B2. Những vitamin này có trong cám gạo, bột cá, bột đỗ tương, lạc, các loại men, bã bia rượu.Vitamin B1 có tác dụng tham gia đồng hoá thức ăn bột đường. Thiếu vitamin B1 và B2 heo ăn ít, xuống cân, chân đi không vững; heo yếu chân sau, thai yếu, bào thai chết. Vitamin B2 chủ yếu là đồng hoá thức ăn đạm.
- Vitamin D: có tác dụng đồng hoá Ca, P Thiếu vitamin D heo con gầy yếu, khớp xương sưng, xương mềm làm heo què, lê trên đầu gối hai chân trước, kêu la và mặt sưng phù.Để giải quyết thiếu vitamin D ngoài việc cho ăn thêm dầu cá thu, heo cần được thả nơi sân chơi có ánh nắng chiếu vào (khoảng 1 giờ buổi sáng từ 7g30-8g30).
- Vitamin E: quan trọng đối với heo sinh sản. Thiếu vitamin E bào thai chết, thai khô, thiếu sữa ở heo nái nuôi con.Đối với heo đực thiếu Vitamin E tinh trùng kém, phối ít đậu thai. Vitamin E thường có trong thóc mầm, cám, ngô, khô dầu.Trong dinh dưỡng nhất là heo nái, heo con, các loại vitamin A-D-E cần chú ý hơn cả. Trên thị trường đã có bán các loại vitamin bổ sung này cho các loại heo.
5/ Có nên cho heo ăn thức ăn tổng hợp?
Loại thức ăn hỗn hợp, còn gọi là thức ăn công nghiệp dành nuôi heo có bán nhiều trên thị trường do nhiều cơ sở sản xuất khác nhau, có thể nói là … tin cậy được. Mỗi cơ sở đều có công thức chế biến riêng, nhưng tựu trung cũng nhằm vào việc cân đối đúng mức các thành phần dinh dưỡng để giúp heo mau tăng trọng. Cho heo ăn thức ăn này có nhiều tiện lợi, nhưng có thể tốn phí nhiều nên mức lời không đạt được đúng như ý muốn.
6/ Cách cho heo ăn
Nuôi heo nên cho heo ăn theo bữa và cho ăn đúng giờ. Ví dụ ngày cho ăn 3 bữa thì khoảng cách giữa các bữa ăn phải tương đối đồng đều nhau. Ví dụ bữa sáng cho ăn vào lúc 7 giờ, thì bữa trưa là 12 giờ, và bữa tối khoảng 17 hoặc 18 giờ. Với heo nái đang nuôi con và heo thịt sắp xuất chuồng nếu cần, cho chúng ăn và bổ sung thêm bữa tối, cách bữa chiều khoảng 3 hay 4 giờ. Thức ăn của heo nên trộn sền sệt và không nên thay đổi thức ăn đột ngột. Nếu cần thay đổi thức ăn thì nên thay đổi từ từ, như vậy heo mới quen dần với mùi vị thức ăn mới.
7/ Cho heo ăn thêm rau tươi
Rau tươi nói chung là thức ăn cần thiết trong khẩu phần ăn hàng ngày của heo mỗi lứa tuổi. Trong các loại rau cỏ, củ quả tươi có hàm lượng nước trên 90% giúp heo không bị chứng táo bón. Rau cỏ tươi có thể cho ăn sau mỗi bữa ăn, hoặc trộn vào thức ăn cho chúng ăn. Lượng thức ăn tươi này có thể chiếm đến 1/3 hay 1/2 khẩu phần ăn hàng ngày của heo.
8/ Cung cấp đủ nước cho heo
Heo uống rất nhiều nước, nhất là trong mùa nắng hạn. Con heo vừa lẻ bầy uống từ 1 đến 2 lít nước mỗi ngày. Loại heo lứa bốn năm mươi ký uống khoảng 5 lít nước mỗi ngày. Còn heo từ 100kg trở lên có thể uống từ 7 đến 10 lít nước mỗi ngày mới đã khát. Tốt nhất là có sẵn nước trong chuồng để heo uống nước tự do cả ngày lẫn đêm.
Trong trường hợp có vòi nước tự động thì quá tiện. Nếu không, ta nên thường xuyên đổ đầy máng nước cho chúng khát lúc nào thì uống lúc đấy. Số lượng nước mà heo uống nhiều nhất là sau mỗi bữa ăn. Nước cho heo uống phải là nước ngọt và sạch, như nước mưa, nước máy, nước giếng. Heo nái đang nuôi con cần uống nhiều nước hơn các loại nước khác.
Chế độ dinh dưỡng, thức ăn trong chăn nuôi heo Con giống, Heo giống, Chăn nuôi, Dinh dưỡng, Thức ăn chăn nuôi