Nông Nghiệp Nhanh

Một số sâu bệnh thường gặp trên cây Mít và cách phòng trừ

Mít là loại cây dễ trồng, nhưng cũng như các loại cây ăn quả khác, mít cũng có rất nhiều loài gây sâu, bệnh hại trên cây mít, chúng chích hút nhựa lá non, đọt non, trái làm lá quăn queo, cây chậm lớn, trái dị hình và kèm theo là nấm đốm bồ hóng tấn công làm giảm khả năng quang hợp của cây và sẽ cho trái không đẹp. Vì vậy, biết và phòng trừ kịp thời các loại sâu bệnh hại cây mít là một trong những yếu tố quan trọng quyết định chất lượng và năng suất khi trồng.

Một số sâu bệnh thường gặp trên cây Mít và cách phòng trừ

Ý kiến chia sẻ kinh nghiệm phòng trừ các loại sâu bệnh hại cây mít từ nhà nông:

"Nhà mình trồng mít 2 năm trước thì không thấy bị bệnh này, trong mùa mưa bão năm nay cây đột nhiên lăn ra chết quá chừng mà không chửa khỏi được. Hôm trước đang xanh um thì hôm sau héo rủ cả cây và chết ngay sau đó. Đào gốc rễ lên thì thấy nhủn ra hết như là bị luộc chín vậy. Đặc biệt là bệnh này lây rất nhanh những cây xung quanh bán kính 20m là cũng lần lượt chết theo. Vườn nhà sạch cỏ và gốc cây sạch sẽ không lá hay rác rến gì hết. Đất thì trên đỉnh đồi cũng không ngập nước bao giờ, vậy là vườn mít nhà tôi bị bệnh gì, có cách nào khắc phục hay không?" - Anh minhducbp84 chia sẻ

Chia sẻ biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại cây Mít từ Diệt côn trùng hiệu quả: "Một số dịch bệnh hại cây Mít"

1/ Phòng trừ ruồi đục trái và bệnh thối trái

Mít là loại cây ăn trái ít kén đất, dễ trồng. Vì thế, diện tích trồng mít ngày càng mở rộng với nhiều giống mít ngon, mau cho trái như giống mít siêu sớm, vàng cam, nghệ,… Trước kia, sâu bệnh trên mít không đáng kể song hiện nay, trong điều kiện thâm canh, sâu bệnh gây hại trên mít ngày càng phát triển. Hiện nay, ở giai đoạn trái có hai đối tượng dịch hại phổ biến làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng trái, đó là ruồi đục trái và bệnh thối trái non.

Trưởng thành của ruồi đục trái là một loài ruồi có kích thước khá lớn, lớn hơn ruồi nhà. Ruồi thường gây hại vào mùa mưa. Ruồi trưởng thành hoạt động ban ngày, có khả năng bay xa. Con cái dùng ống đẻ trứng chích vào vỏ trái đẻ trứng vào bên trong trái. Vết chích nhỏ nên khó nhìn thấy. Ấu trùng có màu trắng ngà (còn gọi là dòi), dài khoảng 9-10mm, sống bên trong trái làm thối phần thịt trái. Khi đẩy sức, dòi chui ra khỏi trái rơi xuống đất hóa nhộng. Ruồi phá hại nhiều khi trái gần chín đến chín. Triệu chứng thể hiện trên trái mít có những đốm thối nâu, có nhiều chất nhựa đục chảy ra trên trái, ngay nơi bị hại mềm nhũn, dòi tạo những lổ nhỏ trên trái và bún mình ra khỏi trái. Dòi gây hại tạo điều kiện các vi sinh vật khác bội nhiễm nên làm trái mau thối. Chẻ bên trong thịt trái bị thối hư. Dòi có khả năng bún mình rất xa. Trên một trái mít có rất nhiều con dòi.

Cách phòng trị:

+ Thu hoạch kịp thời không để trái chín quá lâu trên cây;

+ Đem tiêu hủy những trái bị dòi gây hại để diệt dòi bên trong trái;

+ Khi ruồi trưởng thành phát sinh dùng thuốc dẫn dụ có chất Methyl Eugennol để dẫn dụ và diệt ruồi đực hoặc phun bả Protein, chỉ phun thành đốm nhỏ trên tán cây. Nên phun vào khoảng 8-10 giờ sáng.

+ Không nên xịt thuốc hóa học trực tiếp lên trái để diệt dòi vì thường hiệu quả không cao và không đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Ngoài ruồi đục trái, bệnh thối trái non gây hại khá phổ biến trên mít. Bệnh do nấm Rhizopus nigricans gây ra. Bệnh gây hại trên hoa và trái non, làm trái thối đen và rụng. Vết bệnh khởi đầu là đốm màu nâu đen, sau bệnh lan dần cả trái, làm cả trái bị thối đen. Trên vết bệnh sản sinh các sợi nấm và túi bào tử màu đen mọc tua tủa. Bệnh có thể xuất hiện bất cứ vị trí nào của trái. Bệnh lây lan nhanh từ trái này sang trái khác. Bệnh chỉ gây hại giai đoạn trái non.

Bệnh phát triển nhiều trong điều kiện thời tiết nóng và mưa nhiều, vườn cây rậm rạp, đất ẩm thấp đọng nước. Sợi nấm sẽ sản sinh rất nhiều bào tử và lây lan rất nhanh trong điều kiện có gió, mưa.

Biện pháp phòng trừ:

+ Vệ sinh vườn cây, thu gom những trái bệnh đem tiêu hủy. Chú ý loại bỏ những hoa mít đực đã khô.

+ Phát hiện bệnh mới chớm phun các loại thuốc hóa học: Vimanco, Ridomil-Gold, Mataxyl,....

 2/ Một số bệnh khác thường gặp ở Mít

Bệnh Thối gốc chảy nhựa

- Bệnh xảy ra trên các vườn mít quá ẩm ướt và có nhiều loại sâu hại chích hút nhựa cây, gây những vết thương và là cơ hội tốt cho nấm Phytopthora xâm nhập.
- Bệnh thể hiện ở vùng gốc có nhiều vết loét, nước dịch từ bên trong chảy rỉ ra, vỏ vùng gốc bị thối từng mảng to, bề mặt lớp gỗ ẩm ướt và thâm đen. Lá vàng, rụng và cây chết. Thường khi phát hiện được thì bệnh ở tình trạng nặng, khó chữa trị.
- Cách phòng hữu hiệu nhất là trồng cây trên đất cao ráo, thoát nước tốt. Bảo vệ các thiên địch để hạn chế mật độ sâu rầy gây hại, khi cần thiết dùng các loại thuốc hóa học có tính chọn lọc để phun xịt như Ridomyl, Aliette.

Bệnh thối nhũn

Cây con ở vườn ươm có độ ẩm cao, quá rậm rạp dễ bị bệnh và bệnh lây lan rất nhanh. Bệnh có thể do nấm Rizoctonia solani, Sclerotium, Pythium gây nên.

- Trên thân gốc và bề mặt vật liệu nuôi cây có nhiều hạch nấm tròn to, nhỏ dầy đặc và lây lan nhanh. Bệnh làm teo gốc, thân lá có đoạn tươi xanh và phần non chết gục như bị luộc trong nước nóng.

- Phòng bệnh:

+ Sử dụng phân oai mục.

+ Tạo thông thoáng, khô ráo và thoát nước tốt.

+ Xử lý nguyên vật liệu trong vườn ươm bằng các loại thuốc như Kitazin, Rovral, Ridomyl,...

- Trị bệnh:

+ Viben C 50 BTN, Bonanza 100 DD, Score 250 EC, Tilt 250 ND.

Bệnh do Sâu rầy:

- Sâu đục thân, đục cành

Có tên Margronia, thành trùng đẻ trứng trên lá non, trái non sau đó đục vào thân cành. Xịt thuốc trừ sâu vào giai đoạn ra lá non, trái non như Cyperan 5 EC, 10 EC, Decis 2,5EC, Bian 40-50 EC, Basudin 50 EC.

- Sâu đục trái

Gây hại nặng trên mít làm giảm chất lượng và sản lượng. Thường ở các phần tiếp giáp các trái hay giữa trái tiếp giáp với thân, bị gây hại nặng nhất.Trái có thể bị hư hỏng hay bị rụng sớm.
Không nên dùng biện pháp xử lý thuốc hóa học mà dùng biện pháp sinh học để phòng trừ sự gây hại hay bao trái vào cuối giai đoạn trái rụng sinh lý.

- Ngài đục trái

Có nhiều loài gây hại khác nhau, chúng chích hút vào ban đêm ở giai đoạn trái chín. Cách phòng trị giống như sâu đục trái.

- Rầy, rệp

Có rất nhiều loài gây hại trên mít, chúng chích hút nhựa lá non, đọt non, trái làm lá quăn queo, cây chậm lớn, trái dị hình và kèm theo là nấm đốm bồ hóng tấn công làm giảm khả năng quang hợp của cây và trái không đẹp. Khi trồng ở nơi cao ráo thường bị rệp sáp tấn công ở phần gốc và rễ. Dùng các loại thuốc hóa học sau đây để trị rầy rệp khi điều tra có mật số cao: Bassan 50 EC, Supracide 40 EC, Basudin 50 ec...

Để bảo vệ tốt cây trồng nên áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM+Thiết lập hệ thống canh tác hữu hiệu thường xuyên. Dùng biện pháp sinh học tăng cường thiên dịch, hạn chế dịch hại do sâu bệnh. Sử dụng thuốc hóa học khi cần thiết.

Xây dựng hệ thống dự báo sâu bệnh, thiên dịch, những điều kiện tự nhiên để có thể định hướng phù hợp tình hình sản xuất thực tế.

So với các loại cây ăn trái khác Mít nghệ cao sản là cây dễ trồng, chịu hạn rất tốt, ít công chăm sóc, áp dụng quản lý dịch hại bằng phương pháp IPM tốt có thể không cần sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật, cho có năng suất cao, chất lượng ngon, thích hợp ăn tươi, chế biến và làm thức căn cung cấp cho ngành chăn nuôi, thủy sản, sau cùng là thu được khối lượng gỗ lớn và quý có giá trị kinh tế cao. Công nhân chăm sóc trực tiếp không bị tổn hại do nhiễm độc, người tiêu dùng không phải sợ bị ngộ độc do thuốc Bảo vệ thực vật tồn dư trong các sản phẩm.

>> Xem thêm: Hướng dẫn kỹ thuật trồng giống Mít Nghệ cao sản