Nông Nghiệp Nhanh

Kỹ thuật trồng cây Diếp Cá cho năng suất cao

Trông Diếp Cá không khó, nhưng người làm vườn cần phải áp dụng đúng kĩ thuật để ruộng rau Diếp Cá có thể đạt năng suất cao nhất và hạn chế tối đa được chi phí bỏ ra. Hiện nay có rất nhiều hộ nông dân ở miền Tây đã xem Diếp Cá như cây kinh tế chính và Diếp Cá cũng mang lại nguồn thu kinh tế rất ổn định cho bà con.

Rau Diếp Cá  (Giấp Cá) là loại rau gia vị phổ biến với người tiêu dùng Việt Nam. Diếp Cá không chỉ được dùng làm gia vị trong món ăn mà còn dùng trong Đông y để chữa các bệnh về tiêu hóa, bệnh trĩ, sởi, đau mắt đỏ,... Rau có vị hơi cay, có vị tanh, hôi, tính hơi lạnh, lúc mới ăn có nhiều người ăn không quen, nhưng quen lại rất thích.

Kỹ thuật trồng cây diếp cá cho năng suất cao

 Kinh nghiệm trồng rau diếp cá được nhiều bà con quan tâm, chia sẻ:

"Rau diếp cá rất ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, chỉ cần tưới nhiều nước, mỗi ngày người trồng phải tưới từ 3-4 lần." - Anh Bình chia sẻ

“Tui trồng diếp cá được 15 năm rồi, thích nhất là nó dễ trồng, thứ hai nó lại không xài nhiều thuốc trừ sâu, chăm sóc hay bón phân cũng nhẹ. Rau này, mình cứ cắt hoài mà gốc nó lại ít hư như gốc rau này tui cắt 12- 13 năm rồi”. - Ông Hà cho biết

"Lúc mới đầu trồng cây diếp cá, trồng trên đất khô, trồng hơn 2 tháng mà rau cứ cằn cỗi. Trong khi đó, khu vực trũng, sình bùn nằm giữa các liếp - nơi mỗi ngày bị giậm nát để tưới rau thì những cọng rau mọc tự nhiên lại xanh tốt mơn mởn.” Ba Hạ chia sẻ

Chia sẻ kỹ thuật trồng cây diếp cá từ Hiếu Giang Better: "Kỹ thuật trồng và bón phân cho cây rau diếp cá"

I- Đặc tính thực vật:

Cây rau diếp cá là cây thân thảo, thân cây màu lục hay tía đỏ, lá mọc so le, có bẹ, phiến lá hình tim, nhọn về phía đỉnh, hoa nhỏ, màu vàng nhạt, mọc thành bông, quả nang, hạt hình trứng.
Diếp cá chủ yếu để ăn sống cùng với các loại rau sống và gia vị khác hoặc ăn với một số món như canh cá, bánh xèo,...

Diếp cá là cây ưa ẩm thấp, có thể mọc hoang dại. Trên đất ẩm và tơi xốp nhiều mùn cây diếp cá phát triển rất xum xuê, xanh tốt. Chịu được hạn nhưng phát triển kém, năng suất thấp, lá già cứng, ưa thích nhiệt độ cao, từ 25 – 35oC.

II- Kỹ thuật trồng:

1/ Thời vụ:

Diếp cá có thể trồng quanh năm, tốt nhất là đầu mùa mưa.

2/ Làm đất:

Như trồng các loại rau khác, diếp cá thích hợp với nhiều loại đất, tốt nhất là đất có nhiều bùn, trước hết đất cày bừa kỹ, làm sạch cỏ, bón phân lót. Vì cây diếp cá chịu ẩm ướt nên có thể không cần làm luống, nếu cần thì làm luống thấp, lên luống với kích thước: chiều dài (chiều dài vườn) x chiều rộng 1 – 1,2 m x chiều cao 10 - 15 cm.

3/ Nhân giống:

Cây diếp cá có khả năng sinh sản vô tính rất khỏe, trên các đốt thân có nhiều rễ nên có thể cắt cành hoặc nhổ cả gốc cây đem trồng. Khoảng cách trồng 30 - 40 cm, trồng từng hốc hoặc theo hàng. Vùi cành sâu trong đất khoảng 10 cm rồi tưới nước mỗi ngày 2 lần. Sau 7 – 10 ngày cây ra rễ, nảy chồi và cây bắt đầu phát triển bình thường thì tưới phân bón thúc.

III- Bón phân và chăm sóc:

1/ Bón phân:

Lượng phân bón cho 1000 m2 như sau:
+ Bón lót: Phân hữu cơ Better HG01: 1 tấn + phân lân 10 kg.
+ Bón thúc: Sau khi trồng khoảng 2 tuần thì dùng 2 kg Better NPK 16-12-8-11+TE hòa nước để tưới cho cây.

Có thể tưới xen kẽ một số lần bằng phân urê pha nồng độ 1%. Cây diếp cá có thể chịu lượng phân khá nhiều. Sau khi tưới phân nên tưới nước lã rửa lá để tránh phân làm hư lá non. Tưới phân bón thúc ngay sau mỗi đợt thu hoạch.

2/ Chăm sóc:

Cây diếp cá ưa ẩm nên thường xuyên tưới, năng suất sẽ đạt được cao. Sau mỗi đợt thu hoạch nên xới nhẹ đất và nhổ cỏ.

VI- Phòng trừ sâu bệnh hại:

Cây diếp cá ít bị sâu bệnh hại nặng. Chủ yếu có nấm làm thối thân và lá. Khi cần thiết có thể phun các thuốc trừ nấm như Carbenzim, Anvil, Mexyl-MZ và các thuốc gốc đồng.

V- Thu hoạch: 

Sau khi trồng khoảng 30 - 45 ngày là có thể thu hoạch. Cắt ngọn, để lại phần gốc và thân già cho tái sinh. Cách khoảng 15 - 20 ngày thu hoạch một đợt.

>> Xem thêm: Hướng dẫn kỹ thuật trồng cây rau Húng