Nông Nghiệp Nhanh

Kỹ thuật ghép cải tạo thay thế giống Nhãn

Với những vườn nhãn cũ, giống nhãn nước, trồng từ hạt, chất lượng quả thấp, bà con muốn cải tạo không cần phải trồng mới lại. Với kỹ thuật ghép cải tạo thay thế giống nhãn, bà con có thể thay thế vườn nhãn hiện thời bằng những giống mới ngon hơn, năng suất chất lượng cao và thời gian thu hoạch cũng được rút ngắn.

Nhãn đem trồng mới và cây ghép, thì cây trồng mới sau 3 năm mới có quả, nhưng ghép cải tạo thì chỉ sau một năm cây đã bói quả, và chất lượng quả đạt yêu cầu, chi phí đầu tư giảm. Trong khi đó, cây nhãn vẫn được sinh trưởng hoàn toàn bình thường, ít sâu bệnh.

Kỹ thuật ghép cải tạo thay thế giống nhãn

Chia sẻ kinh nghiệm ghép cây nhãn cải tạo thay thế giống nhãn từ người trồng nhãn:

“Thời gian thích hợp nhất để ghép nhãn là vào khoảng tháng 3-4 âm lịch, ghép vào thời điểm này tỷ lệ sống của mắt ghép rất cao từ 80 – 90%. Gốc ghép phải đảm bảo ít nhất trên 2 tháng tuổi, phải chọn những cây khỏe mạnh, sinh trưởng, phát triển tốt. Khi ghép, thao tác phải nhanh, không để khô nhựa mắt ghép. Mắt ghép phải được quấn giấy bóng thật kín không để côn trùng cắn, nếu để côn trùng cắn thì mắt ghép dù đang phát triển cũng bị chết. Phải thường xuyên đánh nhánh phụ cây gốc cho mầm ghép có đủ dinh dưỡng phát triển tốt” - Ông Hơn tiết lộ

"Tùy vào kích thước của cành ghép mà bà con lựa chọn cành mắt ghép có kích thước tương đương. Chọn những cành to, khỏe ở tầng tán thứ 2, cành hướng ra ánh nắng. Khi lấy mắt ghép chú ý giữ cho cành mắt ghép không bị mất nước, như vậy mới đảm bảo cho chỗ ghép phục hồi nhanh." - Ông Độ nói

Kỹ thuật, quy trình ghép cải tạo thay thế giống nhãn được chia sẻ từ Susta: "Quy trình ghép cải tạo thay thế giống nhãn"

Quy trình kỹ thuật ghép cải tạo thay thế giống nhãn để bà con áp dụng cải tạo vườn nhãn gia đình.

I. Đối tượng áp dụng: Là những vườn nhãn năng suất thấp, trồng từ hạt

  1. Ghép cải tạo sau cắt tỉa

- Gốc ghép: Là cây nhãn lồng, nhãn cùi, nhãn nước và nhãn thóc dưới 15 tuổi. Khả năng sinh trưởng: xanh tốt, không bị sâu bệnh nguy hiểm gây hại
- Cành mắt ghép: Là các giống nhãn chín muộn đã được Bộ NN và PTNT công nhận: PH - M99 - 1.1, PH - M99 - 2.1, HTM - 1, HTM - 2.

  1. Ghép cải tạo sau cưa đốn

Gốc ghép: Là cây nhãn lồng, nhãn cùi, nhãn nước và nhãn thóc.Trên 15 tuổi. Khả năng sinh trưởng: xanh tốt, không bị sâu bệnh nguy hiểm gây hại
- Cành mắt ghép: Là các giống nhãn chín muộn đã được Bộ NN và PTNT công nhận: PH - M99 - 1.1, PH - M99 - 2.1, HTM - 1, HTM - 2.

II. Nội dung quy trình

  1. Công tác chuẩn bị

a. Chuẩn bị cây ghép cải tạo

* Tiêu chuẩn cây cần cải tạo thay thế trước khi ghép:
- Khả năng sinh trưởng: xanh tốt, không bị sâu bệnh nguy hiểm gây hại.
* Tiêu chuẩn vườn cây cần ghép cải tạo
- Không bị các cây to che khuất ánh sáng
- Chủ động được tưới tiêu.
- Đường đi lối lại thuận tiện cho việc chăm sóc và thu hái.

b. Chuẩn bị dụng cụ thiết yếu

- Dây ghép chuyên dụng: Sử dụng dây nilon chuyên dụng của Trung Quốc (mỏng và dai)
- Dao ghép: dao chuyên dùng của Trung Quốc cho ghép đoạn cành (cứng và sắc)
- Cưa, kéo cắt cành
- Rổ hoặc xô đựng mắt ghép
- Ghế cao, thang ngắn

c. Chuẩn bị nguồn mắt ghép

* Yêu cầu về mắt ghép: Mắt ghép được lấy trên các cây:
- Có nguồn gốc là các cây đầu dòng được các cơ quan chuyên môn của Trung Ương hoặc địa phương tuyển chọn và công nhận hoặc từ các vườn cây mẹ.
- Được chăm sóc theo quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc nhãn của Viện Nghiên cứu Rau quả.
- Cây có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, không bị sâu bệnh nguy hiểm gây hại đặc biệt là bệnh chổi rồng.

d. Phương pháp lấy và bảo quản mắt ghép

+ Độ tuổi cành mắt ghép: mắt ghép được lấy trên đoạn cành có độ tuổi 50 - 70 ngày tuổi
+ Thời gian cắt mắt ghép: Buổi sáng, khi nhiệt độ còn chưa cao.
+ Cách lấy mắt: Cành mắt ghép được cắt xuống, loại bỏ ngay lá để tránh mất nước.
+ Bảo quản mắt ghép: mắt ghép ngay sau khi cắt trên cây xuống và tỉa lá được chia thành các bó nhỏ, bọc trong giẻ ẩm hoặc rải ra thành lớp mỏng 15 - 20 cm rồi phủ kín vải ẩm lên trên, để trong khu vực thoáng mát, không có gió thổi trực tiếp vào nơi để mắt ghép.

Lưu ý: bổ sung nước giữ ẩm (không được ướt quá) thường xuyên cho lớp vải bọc/phủ mắt ghép.
- Thời gian bảo quản tối đa: 4 ngày
- Mắt ghép sau bảo quản đủ tiêu chuẩn ghép phải còn tươi nguyên, cuống lá chưa hình thành tầng rời (cuống lá chưa bị rụng).

e. Chăm sóc cây gốc ghép trước khi ghép:

- Cắt tỉa: cắt toàn bộ các cành trong tán, cành chen chúc nhau và cành ở giữa tán, tạo cho cây có độ thông thoáng.
- Bón phân: cây phải được bón phân theo quy trình trước khi ghép 1,0-1,5 tháng
- Phun thuốc bảo vệ thực vật: Nếu cây có sâu ,bệnh, dùng các loại thuốc đặc hiệu xử lý cho sạch sâu bệnh trước khi ghép.

- Cưa đốn: Cải tạo lại bộ tán lớn bằng cách cưa đốn: trừ 1 - 2 cành nhỏ ở trung tâm, dùng cưa sắc, cắt bỏ toàn bộ những cành còn lại ở độ cao 1,5 m so với mắt đất (cành cấp 1 hoặc cấp 2), những cành quá sát nhau cần cắt bỏ bớt 1 cành ở vị trí sát với thân chính. Dùng vôi hoặc oxyclorua đồng quét lên trên vết cắt.
- Định chồi:
+ Sau khi cưa đốn, các chồi bất định trên gốc ghép sẽ bật lộc và khi lộc nhãn đạt 10 15 cm tiến hành tỉa định chồi lần 1: Trên mỗi đầu cành để từ 6 - 7 lộc to, khoẻ và vặt bỏ toàn bộ các lộc bên dưới.
+ Khi đợt lộc thứ nhất chuyển sang bánh tẻ tiến hành tỉa định chồi lần 2: Trên mỗi đầu cành chỉ để từ 4 - 5 lộc to, khoẻ, phân bố đều quanh tán và vặt bỏ toàn bộ các lộc bên dưới.
+ Sau khi tỉa định chồi lần 2 cần thường xuyên vặt bỏ toàn bộ các lộc bên dưới.
- Thời gian cưa đốn: Tháng 3 4 và tháng 8 - 9
Toàn bộ cây trước khi ghép 1 ngày phải được tưới đủ ẩm.

  1. Thời vụ ghép

Thời vụ ghép kéo dài từ tháng 4 - 9. Thời vụ ghép tốt nhất: tháng 5 – 7

  1. Phương pháp ghép

- Sử dụng phương pháp ghép đoạn cành để ghép cải tạo:

Dùng dao cắt một lát vát trên cành mắt ghép sao cho lát cắt thật phẳng. Chiều dài lát cắt khoảng 1,5 - 2,0 cm. Trừ đoạn cắt vát, trên mỗi đoạn mắt ghép có từ 1 - 3 mầm ngủ (1 - 3 nách lá). Trên cành gốc ghép, dùng kéo cắt ngọn cành gốc ghép ở vị trí cành có đường kính từ 1 1,5 cm, dùng dao gọt phằng vết cắt. Chẻ một lát thật phẳng bên cạnh phía trong cành, sao cho vết chẻ vừa qua phần vỏ, lấy đi một phần gỗ mỏng.Chiều dài vết chẻ vừa bằng chiều dài vết cắt vát trên đoạn mắt ghép.Chêm đoạn mắt ghép vào, dùng dây chuyên dụng quấn kín và chặt vết ghép, sau đó quấn một lượt dây ghép kín phần trên của đoạn mắt ghép.

- Chọn và định vị trí cành ghép phân bố đều theo các hướng. Không chọn ghép vào các cành thấp quá hay các cành ở trung tâm tán cây. Mỗi cây chọn 3/5 số cành để ghép.
- Dùng kéo sắc hoặc cưa nhỏ cắt toàn bộ cành để ghép ở vị trí cành có đường kính 1,0 - 1,5 cm sao cho sau khi ghép, bộ tán mới sau này sẽ có hình bán cầu và có độ cao hợp lý tuỳ theo tuổi cây hay tuỳ theo vườn cây. Số cành không ghép để lại làm cành thở.
- Ghép theo phương pháp ghép đoạn cành.

- Trên mỗi đầu cành đã cưa đốn của gốc ghép, chọn ghép trên 2 - 3 chồi hướng ra ngoài hoặc chồi bên có đường kính từ 1,0 - 1,5 cm, sao cho các cành định ghép phân bố đều xung quanh tán. Không ghép vào các chồi mọc hướng vào trung tâm và các cành ở trung tâm tán.Tạm thời, các cành không ghép cứ để nguyên để làm cành thở.
- Ghép theo phương pháp ghép đoạn cành.

  1. Chăm sóc sau ghép

- Phòng trừ côn trùng cắn thủng dây ghép: kết thúc mỗi một ngày ghép, dùng thuốc trừ sâu có mùi nặng như Ofatox, sherpa phun lên toàn bộ cây và dưới đất xung quanh gốc cây hoặc rắc thuốc trừ kiến xung quanh gốc cây.

- Tỉa bỏ mầm dại: sau khi ghép, vặt bỏ toàn bộ các chồi bất định mọc ra trên phần gốc ghép (mầm dại) khi các chồi này có chiều dài nhỏ hơn hoặc bằng 5 cm. Công việc này được tiến hành thường xuyên.

- Cắt cành thở: khi mắt ghép bật ra có lá đã chuyển mầu xanh nhạt (lá bánh tẻ), tiến hành cắt bỏ dần cành thở, không để cành thở che bóng hay va quệt vào mầm ghép. Công việc này kết thúc khi đợt lộc thứ nhất của mắt ghép thành thục.

- Cắt dây ghép: khi đợt lộc thứ hai của mầm ghép thành thục hoặc thấy dây nilon bắt đầu tạo nên vết lằn trên cành ghép, dùng dao sắc cắt đứt phần dây ghép quấn chặt cành ghép và mắt ghép, không để dây ghép thắt vào trong cành.

- Tưới nước giữ ẩm: Sau khi ghép 3 - 5 ngày, thường xuyên tưới nước giữ ẩm gốc cây.

- Phòng trừ sâu bệnh: Phun thuốc phòng trừ sâu ăn lá, sâu đục ngọn và rệp vào mỗi một đợt lộc, khi lộc nhú được 5 - 10 cm. Sử dụng các loại thuốc: sherpa, ofatox, pegasuss, Otus.

- Bón thúc lộc: khi lộc thứ 2, 3 của cành ghép bắt đầu nhú, dùng phân đạm hoà loãng 0,2% tưới vào gốc. Mỗi cây dùng 0,1kg đạm ure hoà vào 50 lít nước tưới vào gốc, sau đó giữ ẩm thường xuyên.

- Sang năm sau, cây được tiến hành chăm sóc theo quy trình chăm sóc nhãn ở cùng độ tuổi so với cây không cần ghép cải tạo (cùng giống) có kích thước bộ tán tương đương.

>> Xem thêm: Hướng dẫn kỹ thuật trồng nhãn muộn