Kỹ thuật trồng cam quýt đúng cách, ít sâu bệnh, cho quả sai mọng nước
Thông tin chia sẻ kinh nghiệm từ những người trồng cam, quýt:
"Mình cũng có trồng cam năm nay mới được thu hoạch nên cũng có hiểu chút ít, theo mình để cây cam canh cho quả nhỏ thì cây phải sai quả dưỡng chất mình cung cấp cho cây luôn trong tình trạng thòm thèm, chủ yếu là cho cây duy trì nuôi bằng đó trái nhưng vẫn thấy thiếu." - bạn Nongdanbk chia sẻ
"Cam, quýt có bộ rễ ăn khá nông trên mặt đất, nếu mình dùng cuốc để làm cỏ rất dễ gây đứt rễ làm nguy cơ phát sinh mầm bệnh." - Anh Hùng chia sẻ
Chia sẻ các trồng cây ăn trái, trồng cam quýt từ trung tâm khuyến nông Lâm Đồng"Kỹ thuật trồng cam, quýt"
Giới thiệu chung
- Cây có múi cam, quýt, bưởi: Phát triển ở nhiệt độ từ 13-39oC, thích hợp nhất từ 23-29oC. Nhiệt độ có ảnh hưởng đến phẩm chất và phát triển của trái, ở đồng bằng sông Cửu Long do có nhiệt độ cao và ẩm độ thấp nên trái thường chín sớm, vị ngọt, nhưng vỏ có màu sắc không đẹp.
- Về lượng mưa: Lượng mưa thích hợp khoảng 1000-2000 mm/năm và phân bố đều trong năm.
- Ánh sáng: Cam quýt thích hợp ánh sáng tán xạ, không thích ánh sáng trực tiếp.
- Đất đai: Đất có tầng đất canh tác sâu từ 0,5-1m, thoát nước tốt, đất màu mỡ, độ pH từ 5-7 là thích hợp.
Giới thiệu về giống
Cây cam, quýt, bưởi thuộc nhóm cây có múi, có nguồn gốc ở Đông Nam Á. Ở Việt Nam, cây cam, quýt được trồng nhiều ở miền Bắc và ở Nam Bộ như Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp. Một số giống được trồng phổ biến điển hình là:
1. Giống cam sành
Là giống lai giữa cam ngọt và quýt, dạng trái hình cầu, vỏ trái dày sần sùi (4mm), khi chín có màu vàng, khá nhiều nước, ngon ngọt, nhiều hạt (10-15 hạt/trái) trọng lượng trung bình 200-250gam/quả. Hiện giống này được trồng nhiều ở huyện Tam Bình (Vĩnh Long), huyện Châu Thành và Chợ Lách (Bến Tre), tỉnh Tiền Giang và Cần Thơ.
2. Giống cam mật
Dạng trái tròn, vỏ dày 3-4 mm, có màu xanh đến xanh vàng, thịt trái màu vàng cam, ngọt đậm đà, nhiều nước, có nhiều hạt hơn cam sành (15-20 hạt.quả). Giống cam này được trồng nhiều ở Cần Thơ.
3. Giống quýt tiều
Dạng trái tròn, dẹp hai đầu, dễ bóc vỏ, thịt màu cam hoặc vàng cam, khá ráo nước, ngọt có pha vị chua, hạt nhiều (12-15 hạt/quả). Trọng lượng quả trung bình 140-190 gam/quả. Giống này được trồng nhiều tại huyện Lai Vung (Đồng Tháp), huyện Ô Môn (Cần Thơ) và huyện Bình Minh (Vĩnh Long).
4. Giống quýt đường
Dạng trái hình cầu, vỏ mỏng (dày 2mm) màu xanh đến xanh vàng, vỏ dễ bóc, thịt trái màu cam, ngọt đậm quả nhiều nước, hạt nhiều (7-11 hạt/trái), trọng lượng trái trung bình 123-200gam/quả. Giống này được trồng nhiều ở Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre.
5. Giống bưởi năm roi
Xuất xứ từ huyện Bình Minh (Vĩnh Long) cây được nhân giống bằng hạt, sau đó được chiết ra để trồng khắp vùng trong huyện, dạng quả hình cầu, vỏ khi chín có màu vàng, dễ bóc vỏ, vỏ dày 18mm, tép có vị ngọt, không hạt. Quả có trọng lượng trung bình 1,2 kg/quả, tỷ lệ thịt 53,5%. Giống này được trồng nhiều và tập trung ở huyện Bình Minh (Vĩnh Long) huyện Châu Thành và Ô Môn (Cần Thơ) và rải rác ở các huyện Miền Tây.
6. Giống bưởi đường lá cam
Có nguồn gốc ở Biên Hoà (Đồng Nai) dạng quả hình cầu, vỏ màu vàng xanh đẹp, thịt quả nhiều hơn bưởi Năm roi (tỷ lệ 60%) phẩm chất ngon, có vị ngọt, vỏ mỏng hơn bưởi Năm roi (dày10mm). Đây là giống chủ lực trồng ở các vùng miền Đông Nam Bộ như ở Vĩnh Cửu (Đồng Nai), Tân Uyên (Bình Dương).
7. Bưởi Da xanh
Có nguồn gốc từ cây trồng hạt, tại xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến tre. Tên gọi Da xanh xuất phát từ đặc tính của quả khi chín vẫn giữ màu xanh. Cây có khả năng cho trái sau 2,5-3,5 năm trồng bằng cây chiết hoặc cây ghép nếu được chăm sóc tốt.
Thời gian từ ra hoa đến thu hoạch trái khoảng 7-7,5 tháng. Năng suất khá cao, trên 100 trái/cây/năm đối với cây khoảng từ 14 năm tuổi, và khá ổn định.
Trái có trọng lượng khá to 1500 g/trái, dạng hình quả cầu, vỏ trái màu xanh đến xanh vàng khi chín và dễ lột, con tép màu hồng đỏ, bó chặt và dễ tách khỏi vách múi, nước quả khá, vị ngọt chua (brix 9,5-12%), tỉ lệ thịt quả trên trên 55%, mùi thơm và nhiều hạt (10-30 hạt/trái).
Kỹ thuật canh tác
- Phương pháp nhân giống
Các phương pháp chính thông dụng hiện nay là:
1. Chiết cành
Chọn cây mẹ có năng suất cao, ổn định, không có triệu chứng bệnh greening hoặc phytophthora sp (quan sát bằng mắt). Chọn cành bánh tẻ (không già, không non), sinh trưởng tốt, vị trí ở ngoài trảng.
2. Ghép mắt
+ Gieo gốc ghép (hạt) khoảng 10-12 tháng có đường kính 1cm là tiến hành ghép được. Gốc ghép phải mọc thẳng, không dị dạng và sâu bệnh (hạt giống làm gốc ghép có thể là cam mật, cam 3 lá, volkameriana, citrange carrizo, quýt Cleopatra,…).
+ Chọn nhánh ghép: Chọn cây mẹ tốt, tương đối sạch bệnh, chọn nhánh mọc ngoài trảng, sau đó tách mắt ghép có kích thước vừa nhỏ hơn miệng ghép, chú ý không để mắt ghép bị dơ, dập bể.
Hiện nay, cam quýt thường được nhân giống bằng 2 phương pháp trên. Tuy nhiên một số bệnh như: Tristeza, greening, virus đều lây lan qua mắt ghép, cành chiết. Vì vậy, để cây giống được sạch bệnh và khỏe mạnh chúng ta cần phải sản xuất cây giống bằng phương pháp vi ghép đỉnh sinh trưởng (shoot tip-grafting)
3. Vi ghép
Là một kỹ thuật đòi hỏi sự chính xác, trong đó mắt ghép và gốc ghép đều được nhân lên trong ống nghiệm và thực hiện trong điều kiện vô trùng.
Sử dụng vi ghép cây con sau khi vi ghép hoàn toàn sạch bệnh.
- Kỹ thuật trồng
1. Thời vụ
Có thể trồng quanh năm, nếu trồng trong mùa nắng phải đảm bảo chế độ tưới nước, thông thường ở Tây Nguyên có thể trồng vào tháng 6-7 là tốt nhất.
2. Khoảng cách
Cam nên trồng khoảng cách 4m x 4m, quýt với 4m x 5m, bưởi 5m x 5m.
3. Trồng cây chắn gió, che mát
Chắn gió có thể trồng xung quanh vườn, chú ý hướng gió chính, có thể trồng cây mít, keo lá tràm, keo lá to. Trồng cây che bóng vì cây cam quýt thích hợp ánh sáng tán xạ, có thể trồng muồng đen, so đũa v.v... ở giữa các hàng cây.
4. Làm cỏ, tủ gốc
Làm sạch cỏ để cỏ không tranh chấp dinh dưỡng với cây chính, sau đó để tủ đất giữ ẩm bởi vì đa số rễ của cam quýt mọc cạn.
5. Bón phân
Phân chuồng hoai mục trước khi trồng 10-15 kg/hốc. Sau khi trồng cứ 3 tháng tưới 1 lần phân urê pha nước (pha 40 gam phân trong thùng 8 lít nước).
* Năm thứ 2: Bón 200g urê, bón 500g lân, bón 50g Kaliclorua/cho 1cây/năm.
* Năm thứ 3: Bón 450g urê, bón 1kg phân lân, bón 170g Kaliclorua/1cây/năm.
* Năm thứ 4: Bón 900g urê, bón 1,5kg lân, bón 250g Kaliclorua/1cây/năm
* Năm thứ 5 trở đi bón:
- Trước khi ra hoa: Bón 1/5 đạm + 1/5 lân + 1/5 kali.
- Sau khi đậu quả: 1/5 đạm + 1/5 lân + 1/5 kali.
- Giai đoạn nuôi quả: 2/5 đạm + 1/5 lân.
- Trước khi thu hoạch 1 tháng bón 3/5 kali.
- Sau khi thu hoạch: Bón để phục hồi cây 1/5đạm và 2/5 lân.
* Cách bón:
Đánh rãnh xung quanh gốc theo hình chiếu của tán lá (cách gốc tối thiểu 0,5m). Bón phân trong rãnh cuốc xong lấp đất lại.
Phòng trừ sâu bệnh
- Sâu hại
1. Sâu vè bùa: Sâu đục dưới lớp biểu bì lá thành những đường ngoằn ngoèo. Sự phá hại của sâu làm cho lá co cúm, quăn queo, hạn chế quang hợp. Ngoài ra, các vết thương do sâu to nên trên lá, chồi tạo điều kiện cho bệnh loét phát triển.
Biện pháp phòng trừ: Chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt, thúc cho các đợt ra lộc tập trung, chóng thành thục có thể hạn chế được phá hại của sâu.
Bệnh nặng dùng các loại thuốc hoá học có tác dụng nội hấp để phun phòng trừ cho cam, quýt
2. Rầy mềm: Thường chích hút nhựa ở đầu ngọn làm chồi và lá non không phát triển được, co rúm lại, đồng thời phân của chúng thải ra tạo điều kiện cho nấm bồ hóng cộng sinh và phát triển. Rầy mềm còn là môi giới truyền bệnh Tristeza trên cây có múi.
* Phòng trị: Phun thuốc phòng trừ rầy rệp trên cam, quýt vào các đợt lộc của cây.
3. Rầy chổng cánh
* Tác hại của rầy chổng cánh
- Là côn trùng truyền bệnh vàng lá greening trên cam, quýt.
- Trực tiếp gây hại bằng cách chích hút trên đọt non, làm đọt non bị chết.
- Gây hại trên tất cả các cây họ cam quýt như:
+ Cam: Cam mật, cam dây, cam sành, cam canh…
+ Quýt: Quýt đường, quýt tiều,…
+ Bưởi: Bưởi năm roi, Bưởi long, bưởi da xanh,…
+ Chanh: Chanh giấy, chanh tàu,…
- Di chuyển từ nơi này đến nơi khác chủ yếu nhờ gió
- Bị hấp dẫn bởi màu vàng và vàng nâu.
- Xuất hiện nhiều vào lúc cây ra đọt non.
* Thiên địch của rầy chổng cánh
Rầy chổng cánh có thể bị hại bởi một số thiên địch ngoài tự nhiên như bọ rùa, ong ký sinh và nấm.
* Phòng trừ rầy chổng cánh
- Không nên trồng các cây kiểng họ cam quýt gần vườn cam quýt, vườn ươm sản xuất cây giống.
- Trồng cây chắn gió xung quanh vườn để ngăn chặn rầy từ nơi khác bay đến.
- Cắt tỉa cành, điều khiển các đợt ra đọt non tập trung để xịt thuốc trừ rầy
- Thường xuyên thăm vườn để phát hiện ấu trùng và rầy trưởng thành để tiêu diệt kịp thời, nhất là những giai đoạn cây ra đọt non hoặc sau những cơn giông lớn.
- Nhổ bỏ những cây bị bệnh vàng lá trong vườn đem tiêu hủy để loại trừ nguồn bệnh lây lan sang những cây khỏe. Trước khi hủy, xịt thuốc để loại trừ rầy chổng cánh bay sang các cây khác lân cận.
- Bảo vệ các loài thiên địch phát triển bằng cách phun thuốc phòng trừ hợp lý.
- Phun thuốc:
4. Nhện đỏ
Cả ấu trùng và thành trùng đều rất nhỏ, màu nâu, vàng lợt hoặc trắng trong tùy loại, thường bu chích hút bên ngoài vỏ trái non khoảng 1-2 tháng tuổi, ít khi trái bị rụng nhưng thường làm cho vỏ trái sần sùi như cám, nên thường gọi là trái da cám, làm giảm giá trị thương phẩm.
Phòng trị: Phun các loại thuốc đặc trị nhện đỏ.
- Bệnh hại
1. Bệnh loét: Do vi khuẩn gây hại. Ban đầu lá, trái cành đều bị nhiễm, dễ thấy nhất trên lá và trái. Vết bệnh lúc đầu nhỏ, sũng nước, màu xanh sậm, sau đó biến thành màu nâu nhạt, mọc nhô trên mặt lá hay vỏ trái, chung quanh vết bệnh trên lá có thể có quầng vàng.
Biện pháp phòng trị: Cắt bỏ, tiêu hủy những cành, lá bệnh, vệ sinh nghiêm ngặt kể cả quần áo công nhân làm vườn.
- Phun các loại thuốc gốc đồng như Copperzinc, Kasuran BTN (1,5-2%), hoặc Zineb 80 BHN (1/500-1/800) ở giai đoạn cây chờ đâm tược ra hoa và sau đó khi 2/3 hoa đã rụng cánh và tiếp tục phun định kỳ 2 tuần/lần cho đến khi trái chín.
- Xử lý hạt, mắt ghép trước bằng nước Javel hay nhiệt (nước: 5nóng:5 lạnh) trong 20 phút.
2. Bệnh vàng lá Greening
Bệnh vàng lá greening do vi khuẩn gram âm sống trong mạch dẫn libe của cây, lây lan qua mắt ghép hoặc do rầy chổng cánh truyền qua. Vi khuẩn gây xáo trộn sinh lý, làm tắt nghẽn quá trình vận chuyển dinh dưỡng. Do đó làm thiệt hại đến năng suất, phẩm chất trái.
Triệu chứng:
Có thể phát hiện các triệu chứng ở bất kỳ thời điểm nào trong năm (ở vùng châu Á).
Triệu chứng điển hình của bệnh: Lá vàng lốm đốm (chứa nhiều vi khuẩn) song các triệu chứng đi kèm như vàng lá gân xanh (thiếu kẽm), vàng lá thiếu Mangan cũng dể dàng tìm thấy. Cần lưu ý gân lá vẫn xanh, trong khi nếu lá vàng gân vàng thì lại điển hình hơn của bệnh do nấm Phytophthora.
Trung gian truyền bệnh: Côn trùng truyền bệnh vàng lá Greening là rầy chổng cánh Diaphorina citri, Kuwayama hút và truyền vi khuẩn từ cây này sang cây khác.
Phòng trị:
Không có thuốc trị bệnh mà chỉ có thể sử dụng tổng hợp nhiều biện pháp đồng bộ và có tính cách rộng rãi trong vùng mới có hiệu quả cao.
- Loại bỏ cây đã nhiễm bệnh, cây ký chủ của rầy.
- Trồng cây giống sạch bệnh, cách ly nguồn nhiễm bệnh, nên trồng thưa và có cây chắn gió bảo vệ trong và ngoài.
- Sử dụng thuốc hóa học phun định kỳ bảo vệ các đợt lá non, nhất là vào mùa xuân, hay đầu mùa mưa, vì rầy luôn chọn các đọt non để đẻ trứng.
3. Bệnh thối gốc, chảy nhựa
Do nấm Phytopthora sp gây ra. Lúc đầu bệnh làm vỏ của thân cây ở vùng gốc bị úng nước, thối nâu thành những vùng bất dạng, sau đó khô, nứt dọc, chảy mủ hôi. Cây bệnh ít rễ mảnh, rể ngắn, vỏ rễ thối rất dễ tuột, nhất là ở các rễ con, lá bị vàng. Nấm gây bệnh này cũng làm thối trái, nhất là trái ở gần mặt đất và ở các vườn trồng dày.
Phòng trừ: Chọn gốc ghép chống chịu bệnh như cam ba lá, cam chua,…đất trồng phải ráo, tránh gây thương tích vùng gốc và rễ. Theo dõi phát hiện bệnh sớm, cạo sạch vùng bệnh, bôi dung dịch thuốc tím 1% hay bằng các loại thuốc như Captan 75 BTN, Aliette 80 BHN, Copper Zinc, ...Thu gom, rải vôi và vệ sinh sạch vườn cam quýt là biện pháp quan trọng để hạn chế sự lây lan.
Thu hoạch và bảo quản
Cam, quýt từ khi ra hoa đến thu hoạch khoảng 8-10 tháng, tùy theo giống, thời gian thu hoạch phải khô ráo, không nên thu trái sau mưa hoặc có sương mù nhiều. Trái thu xong cần dể nơi thoáng mát, không nên tồn trữ quá 15 ngày sẽ giảm giá trị thương phẩm.
>> Xem thêm: Cách trồng mít Thái không hạt siêu sớm đơn giản