Nông Nghiệp Nhanh

Các loại sâu bệnh hại cây cam quýt bưởi và cách phòng trị (P1)

Các loại cây ăn quả có múi như: cam, chanh, bưởi, quýt,... là những loại cây ăn quả thuộc vùng Á nhiệt đới, phù hợp với vùng khí hậu và thổ nhưỡng nước ta, cây cho năng suất cao, giá trị kinh tế lớn nên được trồng rất nhiều. Tuy vậy đây cũng là những loại cây thường bị nhiều loại sâu bệnh hại tấn công, gây thiệt hại không nhỏ cho bà con nông dân.

Để có thể nhanh chóng phát hiện và kịp thời phòng trị các loại sâu bệnh hại trên cây cam quýt bưởi và các loại cây ăn quả có múi khác, bà con nông dân cần tìm hiểu và nhận biết được các loại sâu hại, triệu chứng bệnh của cây.

Các loại sâu hại cây cam quýt bưởi và cách phòng trị

Ý kiến chia sẻ của người dân về vấn đề sâu bệnh hại trên cây cam quýt và các loại cây ăn quả có múi khác:

"Xin vui lòng tư vấn giúp em: Vườn Quýt của em có một số cây bị hiện tượng vàng lá, lá nhỏ làm cho trái không phát triển được (trái bằng ngón chân cái). Trái bị vàng từ đuôi lên, sau đó thì rụng đầy gốc, bên cạnh đó trái còn bị nứt toát ra. Xin tư vấn giúp em cách trị và phòng ngừa. Xin tư vấn giúp em tình hình sâu bệnh của cây cam, quýt, cách phòng chống." - bạn linhcvkt chia sẻ

"Cây quất ở chỗ chúng tôi gần đây thường hay bị một lọai sâu có mầu xanh, lúc nhỏ chỉ lớn cỡ cọng nhang nằm bất động, nhìn giống như cục phân chim, con lớn có thể to bằng đầu đũa ăn, mầu xanh. Chúng ăn khuyết lá lá non và lá bánh tẻ, nếu bị nặng lá chỉ còn trơ lại gân chính, cành non, nhìn xơ xác. Xin cho biết đó là sâu gì? Có cách nào để phòng trị chúng?" - Anh Nguyễn Văn Trinh chia sẻ

Chia sẻ cách phòng trừ các loại sâu rệp hại cây cam quýt từ Thế giới hạt giồng hoa: "Sâu bệnh hại cây cam quýt"

Cây cam quýt là loài cây ăn quả đem lại giá trị dinh dưỡng và hiệu quả kinh tế cao. Chỉ cần nắm vững kỹ thuật trồng và cách phòng tránh các bệnh thường gặp ở cây cam quýt là có thể thu được năng suất và hiệu quả cao. thegioihatgionghoa.com sẽ giúp bạn tìm hiểu về một số loại sâu thường gặp ở cây cam quýt.

1/ Ruồi đục quả phương đông

a/ Triệu chứng

Trên những quả cam quýt sắp chín có vết chích nhỏ do con cái đẻ dùng ống đẻ trứng chích vào lớp dưới vỏ trái. Ban đầu vết chích rất nhỏ, khó phát hiện nơi đẻ trứng. Nhưng khi trứng nở và bắt đầu xâm nhập thì mặt vỏ có vết thâm tròn rất dễ nhìn thấy. Sâu non nở ra phá hoại phần thịt trái, làm quả bị thối, ủng và rụng.

b/ Nguyên nhân gây bệnh

Do loài ruồi Bactrocera dorsalis gây ra. Nó có khứu giác rất phát triển nên khi trái sắp chín chúng ngửi thấy mùi thơm từ xa bay đến. Con cái có chất dẫn dụ giới tính khá mạnh nên có khả năng thu hút con đực từ khá xa. Con đực có khứu giác rất tốt có thể tìm được con cái cách xa hàng trăm mét do ngửi được chất dẫn dụ giới tính của con cái tiết ra.
Do thói quen để trái quanh năm, không thu hoạch dứt điểm, phơi vườn nên tạo nguồn thức ăn để ruồi đục sinh trưởng và phát triển.
Trong lúc phun xịt thuốc trừ bệnh, kháng nấm đã vô tình diệt đi những loài thiên địch có lợi cho cây cam quýt, làm cho sâu bệnh không còn đối tượng tiêu diệt chúng. Chúng có thể phát triển mạnh và lây lan với tốc độ nhanh.

c/ Sự lan truyền bệnh

Ruồi dùng ống đẻ trứng chích sâu vào trong thịt quả, đẻ trứng thành từng ổ ở những quả chín và bắt đầu chín. Trứng ruồi rất nhỏ, dài khoảng 1mm, hơi cong, màu trắng ngà sau vài ngày trứng nở ra ấu trùng (dòi) hình ống dài, phần cuối thân phình to, có nhiều đốt, mới nở dòi có màu trắng trong. Sau khi nở, dòi đục ăn sâu dần vào múi trái, sinh sống bằng dịch của trái, càng lớn dòi càng đục sâu vào bên trong làm phần này bị thối và loang dần ra xung quanh. Trái bị hại nhanh chóng bị thối do vi sinh vật xâm nhiễm sau đó trái bị rụng. Sau vài lần lột xác, dòi lớn đẫy sức (dài 9-11mm). Khi đẫy sức dòi chịu ra ngoài rồi cong mình bật văng xa rơi xuống đất để hóa nhộng trong đất (ở độ sâu 2-4 cm). Nhộng dài 2-3 mm, ban đầu màu da cam, sau màu nâu sữa. Sau khi vũ hóa, con trưởng thành (ruồi) chui lên khỏi mặt đất, bay đi tìm thức ăn và bắt cặp tạo thế hệ mới.

d/ Điều kiện để phát sinh, gây hại

Ruồi đục phát triển hầu như quanh năm. Thời tiết khô, nóng là điều kiện tốt để ruồi đục sinh sôi và phát triển.

e/ Biện pháp phòng tránh

Thu gọn hết quả rụng trong vườn, chôn sâu xuống dưới đất.
Thu hoạch quả sớm hơn bình thường, đừng để trái chín quá lâu trên cây.
Nếu trái bị hại nhiều có thể xới xáo đất xung quanh gốc, dưới tán rồi rải một trong những loại thuốc như: Basudin 10H, Vibasu 5H/10H, Padan 4G/10G, Regent 0,2G/0,3G... xới đất trộn thuốc vào đất để diệt nhộng.
Có thể dùng bao giấy chuyên dùng để bao trái khi trái già chưa chín. Cách này không những bảo vệ trái cam quýt không bị ruồi gây hại mà còn ngăn ngừa được một số sâu bệnh khác thường gây hại cho trái, giữ màu sắc của trái đẹp và hấp dẫn hơn.
Thường xuyên tỉa bỏ cành già, cành tăm, cành bị sâu bệnh… để vườn luôn sạch sẽ và thông thoáng, hạn chế nơi trú ẩn của ruồi.
Có thể phun bả Protein thủy phân để diệt ruồi cái bằng cách pha 50ml bả protein thủy phân + 10ml Pyrinex20EC hoặc 3ml Regent 5 SC vào 1 lít nước rồi phun lên một số điểm dưới tán cây cam quýt; mỗi cây phun một điểm, mỗi điểm phun 20-50ml hỗn hợp; phun định kỳ khoảng 1 tuần 1 lần.
Dùng “thuốc nhử ruồi” VIZUBON-D để dẫn dụ và diệt ruồi đực. Điều này cũng giúp hạn chế tác hại của ruồi rất lớn. Biện pháp này nếu vận động được nhiều chủ vườn trên một vùng rộng lớn cùng làm thì mới có kết quả cao.
Không nên dùng thuốc hóa học phun trực tiếp lên trái cam quýt khi sắp chín vì dòi nằm bên trong khó chết và lúc này trái sắp được thu hoạch rất dễ gây ngộ độc cho người ăn. Đem thiêu hủy những trái bị dòi gây hại để diệt dòi bên trong trái. Khi ruồi trưởng thành dùng thuốc dẫn dụ có chất Methyl Eugenol để dẫn dụ và diệt ruồi đực hoặc phun bả protein, chỉ phun thành đốm nhỏ trên tán cây. Nên phun vào khoảng 8-10h sáng.

2/ Xén tóc xanh đục cành

a/ Triệu chứng

Sâu non gây hại trên thân cành, khoét lỗ làm tổ trong cành khiến cả cành lá bị úa vàng, ngừng sinh trưởng. Khi bị nặng, sâu có thể gây chết cành. Quan sát ở phía ngoài các lỗ đục thấy có phân đùn ra.

b/ Nguyên nhân gây bệnh

Do sâu đục cành có tên khoa học là Chelidonium argentatum Dalm gây ra. Là sâu non của con xén tóc màu xanh nên gọi là xén tóc xanh. Xén tóc có chiều dài thân 28-35mm, mặt lưng cơ thể màu xanh lục đậm phớt màu tím. Mặt phía dưới bụng phủ lớp lông mịn ánh bạc, hơi xanh. Giữa trán và đầu có 1 ngấn rõ. Đốt gốc râu phình to, trên đó có nhiều chấm nhỏ, chân khá lớn đặc biệt là chân sau. Mặt bụng đếm được 6 nốt ở con trưởng thành cái và 5 đốt ở con trưởng thành đực.

c/ Sự lan truyền bệnh

Xén tóc xanh thường đẻ trứng vào tháng 5-6 trên các nách lá ngọn cành tăm. Sau 10-12 ngày sâu non nở và bắt đầu gặm vỏ cành để sống, đục phá từ cành nhỏ đến cành lớn và cả thân cây. Từ 8-9 tháng sau, sâu non đục đến cành cấp 1 hoặc cành cấp 2, thậm chí có thể tới thân, tuỳ theo độ dài của cành. Thông thường tập trung là cành cấp 1, sâu non làm một buồng hoá nhộng bằng cách dùng mùn cưa và chất bài tiết vít đường đục lại rồi đục một lỗ ra ngoài, chừa lại vỏ cành để làm cửa vũ hoá sau này. Khoảng tháng 2, tháng 3, sâu non hoá nhộng, tới tháng 4, tháng 5 thì vũ hoá thành con xén tóc xanh bay ra. Vòng đời của sâu là một năm. Trên một thân cây có thể bị hàng chục con sâu đục cành và nếu 2-3 năm liền bị hại thì cây sẽ chết.

d/ Điều kiện để phát sinh, gây hại

Khí hậu khô, nóng, độ ẩm cao. Từ tháng 4 đến tháng 6 xén tóc xanh phát triển mạnh.

e/ Biện pháp phòng tránh

Dùng vợt hoặc bắt bằng tay đối với xén tóc xanh trong thời gian con trưởng thành vũ hóa và đẻ trứng từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm.
Tỉa cành thường xuyên để cành thông thoáng, cắt cành mới héo do sâu con gây ra. Khi thấy sâu trưởng thành xuất hiện sử dụng thuốc trừ sâu như padan 95 SP, regent 800 WG, tango 800 WG, patox 95 SP… để phun ướt thân cành.
Về mùa mưa thường xuyên đi thăm vườn cây để kiểm tra quanh tán cây nếu có cành héo bẻ bỏ đi và diệt sâu non để tránh sâu ăn xuống.
Sâu tuổi lớn đục vào thân cành nên chúng ta dùng dây thép hoặc gai mây chọc vào lỗ để diệt sâu, sau đó dùng Basuzin 10H nhào với đất sét tỷ lệ 1/20 trát kín vào lỗ đục.
Sau khi thu hoạch quả, pha hỗn hợp 1 phần CUSO4 + 1 phần vôi tôi + 20 phần nước quét vào gốc cây, thân cây từ 1m trở xuống để hạn chế việc đẻ trứng của xén tóc xanh.

3/ Bọ trĩ màu vàng

a/ Triệu chứng

Các vết gây gây hại tạo thành sẹo, sần sùi, vết sẹo hình tròn xung quanh núm quả, nếu bị hại nặng sẽ tạo thành lớp vảy vỏ; trên lá non bị gây hại nặng tạo vết sẹo sần sùi và làm xoắn lá.

b/ Nguyên nhân gây bệnh

Do bọ trĩ Scirtothrips dorsalis Hood gây ra. Bọ trĩ màu vàng trưởng thành có kích thước rất nhỏ, dài khoảng 1,1mm. Trưởng thành cái có kích thước lớn hơn trưởng thành đực. Cơ thể có màu vàng nhạt đến màu vàng đậm, phần bụng đậm hơn phần đầu và ngực. Mắt kép màu nâu đen, cánh hẹp, thon dài. Hai bên rìa cánh có nhiều sợi lông nhỏ dài.

c/ Sự truyền lan của bệnh

Cirtothrips dorsalis Hood hại trên quả cam, quýt từ khi bắt đầu hình thành đến 3 tháng tuổi. Các vết gây hại tạo thành sẹo, sần sùi, vết sẹo hình tròn xung quanh núm quả, nếu bị hại nặng tạo thành lớp vảy vỏ, trên lá non bị gây hại nặng tạo vết sẹo sần sùi và làm xoắn lá.

d/ Điều kiện để phát sinh, gây hại

Khí hậu nóng ẩm tạo điều kiện cho bọ trĩ sinh trưởng và phát triển.

e/ Biện pháp phòng tránh

Từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau thường xuyên làm cỏ, diệt cây cỏ dại xung quanh vườn cam quýt.
Sử dụng thuốc trừ sâu Tập kỳ 1,8 EC nồng độ phun là 800l/ha; dragon, sherzol, pyrinex…

4/ Bọ phấn đen viền trắng

a/ Triệu chứng

Bọ phấn đen viền trắng tấn công chủ yếu bằng cách hút nhựa cây đồng thời tiết ra những giọt dịch. Đây là nguyên nhân lớp nấm mốc màu đen phát triển che phủ hoàn toàn bề mặt của lá cây cam quýt. Ảnh hưởng rất lớn đến việc quang hợp của lá.

b/ Nguyên nhân gây bệnh

Do bọ phấn Aleurocanthus spiniferus Quaintain gây ra.

c/ Sự truyền lan của bệnh

Trứng được đẻ thành ổ. Trứng có hình múi chanh (cam), có cuống đính vào mặt dưới của lá. Trứng mới đẻ ra có màu trắng đục, một ngày sau khi trứng được đẻ ra có màu vàng nhạt, từ sau 2 -3 ngày tiếp theo trứng có màu đậm hơn rồi màu nâu vàng nhạt, nâu vàng sẫm ở một đầu quả trứng sau đó lan dần hết quả trứng, trứng có màu nâu sẫm trước ngày nở 3 -5 ngày. Con trưởng thành tấn công vật chủ. Ngoài ra, chúng có khả năng truyền nhiều loại bệnh virus cho cây trồng.

d/ Điều kiện phát sinh, gây hại

Khí hậu khô nóng, ít mưa tạo điều kiện cho bọ trĩ phát triển.

e/ Biện pháp phòng tránh

Không nên trồng xen cây cam quýt với những cây là ký chủ khác của bọ phấn như cà, đậu, đỗ…
Khích lệ, tạo điều kiện cho các loài thiên địch của bọ phấn phát triển đặc biệt là loài ong ký sinh Encarsia opulenta silvestri.

5/ Sâu vẽ bùa

a/ Triệu chứng

Sâu vẽ bùa gây hại trên các chồi và lá non. Sâu non đục phá lá ở dưới phần biểu bì, ăn phần mô mềm. Sâu đi tới đâu biểu bì phồng lên tới đó, vẽ thành những đường ngoằn ngoèo nên được gọi là vẽ bùa. Các đường ngoằn ngoèo này không bao giờ gặp nhau.
Các lá bị sâu vẽ bùa gây hại thường bị co rúm lại và biến dạng nhất là những lá non, làm giảm diện tích quang hợp và làm giảm khả năng sinh trưởng của các chồi non. Ngoài ra các đường đục của sâu vẽ bùa còn tạo điều kiện cho bệnh loét vi khuẩn xâm nhập, làm lá, hoa, trái dễ bị rụng.

b/ Nguyên nhân gây bệnh

Sâu vẽ bùa có tên khoa học Phyllocnistis citrella thuộc họ Gracillariidae và bộ Lepidoptera. Là loài sâu có kích thước nhỏ bé, thân mảnh khảnh dài 2mm. Chân màu vàng nhạt pha màu trắng bạc. Cánh trước hình lá liễu, phần gốc cánh trước tối màu hơn phần ngọn cánh, ngọn cánh có điểm màu đen lớn. Lông viền mép cánh dài, màu tro. Cánh sau hẹp hình kim, màu xám đen, lông mép cánh rất dài.

c/ Sự truyền lan của bệnh

Trưởng thành sâu vẽ bùa hoạt động mạnh vào chiều tối. Trứng thường được đẻ ở mặt dưới lá, gần gân chính. Một con trưởng thành thường đẻ được 70-80 quả trứng, thời gian đẻ trứng từ 2-10 ngày. Sâu non mới nở thường đục chui qua lớp biểu bì của lá để ăn phần mô mềm. Đường đục của sâu vẽ bùa dài và lớn dần theo sức lớn của sâu. Sâu non có 4 tuổi, đòi hỏi ẩm độ cao, chúng sống trong đường đục trong suốt thời gian sinh trưởng, nếu đường đục bị rách sâu non rất dễ bị chết. Khi đẫy sức, sâu non đục ra mép lá, nhả tơ dệt kén để hóa nhộng ở đó. Thường hóa nhộng gần gân lá, chỗ lá bị quăn.

d/ Điều kiện phát sinh, gây hại

Sâu vẽ bùa gây hại quanh năm đặc biệt là dịp giao mùa (cuối mùa khô đầu mùa mưa) hoặc là thời điểm sau làm gốc để xử lý cho cây ra trái theo ý muốn.
Mức độ gây hại phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết và thức ăn của sâu. Nhiệt độ thích hợp cho sâu vẽ bùa phát sinh gây hại là 23 - 290C, độ ẩm 85-90%.

e/ Biện pháp phòng tránh

Chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt, tỉa cành, tạo tán, bón thúc cho lộc non ra tập trung, hạn chế sự phá hại của sâu. Thu dọn lá rụng trong vườn đốt bỏ cũng hạn chế nguồn sâu.
Trường hợp bị hại nặng thì có thể cắt bỏ các chồi lá bị sâu đem tập trung một chỗ để tiêu diệt.
Sử dụng một số thiên địch như: Thiên địch ký sinh có nhiều loài ong trong các họ Chalcidoidea và Ichneumonidea, thiên địch bắt mồi kiến vàng Oecophylla smaragdina là biện pháp có hiệu quả phòng trị sâu vẽ bùa.
Sử dụng thuốc hợp lý để bảo vệ nguồn thiên địch của sâu vẽ bùa trong tự nhiên, khi mật độ gây hại cao, sử dụng luân phiên một số thuốc gốc như: Imidacloprid (Confidor 100SL…), Cypermethrin (Viserin 4.5EC….) Abamectin (Vibamec 1.8EC, 3.6EC…) để phòng trị.

6/ Rầy chổng cánh

a/ Triệu chứng

Ấu trùng và thành trùng chích hút dinh dưỡng của lá và chồi non làm cho chồi non lụi dần, sần sùi, lá non bị hại phiến lá nhỏ và xoăn.

b/ Nguyên nhân gây bệnh

Do Rầy chổng cánh Diaphorina citri Kuwayana gây ra. Nó có trứng màu vàng, hình trái lê, dài khoảng 0,3mm, phía trên nhọn tạo thành một cuốn nhỏ rất đặc biệt, thường được đẻ thành chùm ở trong nách lá hoặc trên lá các chồi lá non (lá còn xếp chưa mở ra). Ấu trùng rất nhỏ, hình bầu dục dẹp, mới nở có màu vàng tươi. Tuổi 2 và tuổi 3 có màu xanh lục. Tuổi 4 và tuổi 5 màu nâu vàng. Con trưởng thành thân dài từ 2,5-3 mm, nâu xám, cánh có màu nâu vàng, chân có màu xám nâu, phần giữa cánh trong suốt, kéo dài thành một dãy trắng từ gốc cánh đến cuối cánh, dãy này bị gãy về phía cuối cánh. Đầu nhọn màu nâu nhạt. Mắt có màu đỏ. Râu đầu ngắn có 5 đốt, đốt cuối râu đầu có màu đen. Bụng con cái sắp đẻ có màu hồng.

c/ Sự truyền lan của bệnh

Rầy chổng cánh trưởng thành bị hấp dẫn bởi màu vàng hoặc nâu nên vào mùa mưa là lúc rầy chổng cánh xuất hiện nhiều nhất trên cây cam quýt do lúc này cây bắt đầu ra chồi non và trổ bông.
Rầy chổng cách có khả năng truyền vi khuẩn Candidtus asiaticum gây bệnh Greening cho các cây ăn quả có múi. Bằng cách chích hút trên những cây bị nhiễm bệnh và sau đó tiếp tục tấn công trên những cây không nhiễm bệnh, rầy chổng cánh sẽ truyền bệnh cho cây này qua vòi chích hút và qua nước bọt do vi khuẩn Candidtus aciaticum có thể tồn tại và được nhân lên về số lượng trong tuyến nước bọt của rầy chổng cánh.

d/ Điều kiện phát sinh, gây hại

Rầy chổng cánh sinh trưởng và phát triển trong nhiều điều kiện nhiệt độ khác nhau, rầy trưởng thành có thể tồn tại được ở nhiệt độ lạnh (– 40C) và cả vùng khí hậu nóng và khô. Nhiệt độ thích hợp cho rầy chổng cánh phát sinh và gây hại là 28-300C, ẩm độ 80-85 %. Di chuyển từ nơi này ra nơi khác chủ yếu nhờ gió.

e/ Biện pháp phòng tránh

Loại bỏ nguồn bệnh ra khỏi vườn bằng cách chặt bỏ các cây đã bị nhiễm bệnh xung quanh vườn trước khi trồng cây sạch bệnh.
Cắt tỉa cành, thường xuyên thăm vườn để phát hiện ấu trùng và rầy trưởng thành để tiêu diệt kịp thời, nhất là những giai đoạn cây ra chồi non hoặc sau những cơn giông lớn.
Không nên trồng các cây cảnh thuộc họ cam quýt gần các vườn cam quýt.

Nhổ bỏ những cây bị bệnh vàng lá trong vườn đem tiêu hủy để loại trừ nguồn bệnh lây lan sang những cây khỏe. Trước khi hủy, xịt thuốc để loại trừ rầy chổng cánh bay sang các cây khác lân cận đó.
Trồng cây chắn gió xung quanh vườn để hạn chế sự tái xâm nhiễm của rầy chổng cánh từ nơi khác đến, vì gió cũng có ảnh hưởng đến sự phát tán và di chuyển của rầy trưởng thành.
Trồng hoặc nuôi thiên địch bắt mồi của rầy chổng cánh như kiến vàng Oecophylla smaragdina, bọ rùa, nhện... Thiên địch ký sinh gồm các loài ong trong họ Eulopidae và Encyrtidae ký sinh rầy non, nấm tua ký sinh rầy trưởng thành; trồng cây cam quýt xen ổi.
Dùng bẫy màu vàng để theo dõi rầy chổng cánh, mỗi vườn nên đặt ít nhất 5 bẫy để theo dõi (4 bẫy ở 4 gốc và 1 bẫy ở giữa vườn). Khi phát hiện rầy chổng cánh bay vào bẫy vàng thì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trị.
Phun thuốc: phun thuốc lúc cây ra chồi non tập trung, có thể dùng các loại thuốc: Trebon 0,2%, Sherpa 0,2%, Anvado 100WP (thuốc cung tên), dầu DC- Tron Plus, Isoprocarb (Mipcide), Buprofezin (Applaud), Isoprocarb (Bassa...) hoặc dầu khoáng.

>> Xem thêm: Hướng dẫn kỹ thuật trồng cam Xoàn