Cách phòng trị các loại bệnh và sâu hại khi trồng lan Cát lan
Cách phòng trị các loại bệnh và sâu hại khi trồng lan Cát lan, 28, Mai Tâm, Nông Nghiệp Nhanh
, 15/10/2016 11:56:32Cách phòng trị các loại bệnh và sâu hại khi trồng lan Cattleya
Lan thường hay bị đốm đen, có phải là virus hay không? Kiến làm tổ trong chậu lan có hại hay không? Làm sao diệt trừ?,... có rất nhiều vấn đề liên quan đến cách phòng bệnh cho lan được người yêu lan chia sẻ:
"Lá lan bị đốm hay có những chấm đen, thường do khi tưới nước rồi thời tiết lạnh xuống mấy loại vi khuẩn hay nấm độc tác hại. Do đó khi trời lạnh nên giữ lan cho khô. Chữa trị bằng cách phun thuốc Benlate (Benomyl) hay Daconil. Những đốm đen là vết sẹo không bao giờ mất đi"- Một người trồng lan chia sẻ
"Kiến tuy không làm hại cây lan, nhưng kiến mang đủ loại rệp đến. Rệp hút nhựa cây trong có chất ngọt như mật và kiến hút chất mật trong con rệp như người ta nuôi bò sữa. Khi kiến tha rệp từ cây này sang cây khác tức là đã mang theo bệnh hay vi rút sang theo. Muốn giết kiến dùng các loại thuốc kể trên, nhưng nếu muốn tận diệt ổ kiến trong chậu lan hãy rắc thuốc hột Diazinon granule trên mặt chậu và tưới nước cho thuốc ngấm xuống" - bạn nguyenthuanacb cho biết
Chia sẻ cách phòng trừ sâu bệnh cho cát lan từ Vườn hoa lan: "Phòng trừ sâu bệnh cho lan Cattleya"
I. Sâu hại
1. Rệp son (Scale insects): Là loại rệp có vỏ màu nâu che chở cho cơ thể rệp. Các loài này thường bám vào lá, giả hành và ngay cả trên căn hành để hút nhựa. Nguy hiểm hơn là các loài này sẽ bám vào những mắt ngủ hút nhựa làm cho các mắt ngủ bị chết đi. Các loài này phải phòng trừ thường xuyên nếu không sẽ sinh sản rất nhanh và gây tác hại cho vườn không ít. Phòng trừ bằng cách tiêu diệt bằng tay, dùng các thuốc mạnh như Regent, Lannate, polytrin,… theo nồng độ khuyến cáo.
2. Dán cánh và bọ trĩ (Thrips): Thường xuất hiện trong các giá thể có cấu tạo bằng xơ dừa, vỏ cây mục, dớn vụn hoặc do sử dụng quá nhiều các loại phân hữu cơ dưới dạng xác như: Bánh dầu, phân bo,… có thể dùng các loại thuốc sát trùng như Bassa, confidor, … sử dụng nồng độ theo khuyến cáo trên bao bì , nên phun ngừa 2lần/ tháng.
3. Ốc sên, nhớt: Phá hoại rễ non và tiết ra những chất làm thối các chồi mới mọc. Cần rải thuốc diệt sên nhớt vào những khi có thời tiết quá ẩm.
4. Nhện đỏ (red spider mites): Là côn trùng rất nhỏ, không dài hơn 1/2 mm, dưới kính lúp quan sát có dạng như con rệp, có 8 chân, nhện khi còn non thường có màu vàng, con trưởng thành chuyển sang màu đỏ. Xuất hiện nhiều vào mùa khô, ít hơn vào mùa mưa. Sống ẩn nấp dưới lá già thành từng đám, nơi nhện ẩn nấp lá biến thành những chấm trắng nhỏ sau đó nối với nhau biến thành màu đen và héo tàn. Rệp đỏ sinh sôi và phát triển rất nhanh, khi phát hiện phải diệt trừ ngay nếu không cây sẽ ngừng phát triển. Phải dùng thuốc thường xuyên và liên tục để diệt cả con già và con đẻ trứng, các thuốc thường dùng để phòng trừ nhện đỏ là: Commite, Nissorun … dùng theo liều lượng khuyến cáo trên bao bì và thời gian xịt tốt nhất vào lúc 8-9 giờ sáng khi có nắng thì hiệu quả tiêu diệt cao.
5. Rầy bông (Mealy bugs): Có cơ thể mềm nhũn, bên ngoài được bao bọc bằng một lớp màu trắng giống như bông và bóng như sáp. Trong phân của rệp bột này để nhử kiến đến và tha trứng đi khắp nơi và là nguồn thức ăn của nấm bồ hóng (Sacty molds). Nấm này không làm hại đến cây, trên lá những nơi có nấm mọc thì không nhận được ánh sáng để quang hợp. Khi rệp bột hút nhựa cây lan, chúng thường tiết ra một số chất độc làm cho cây lan ngừng phát triển, xung quanh chỗ nấm mọc có màu vàng và lá sẽ khô héo. Rệp bột được trị bằng các loại thuốc sâu, rệp nhưng phải pha cùng với chất dính để phun mới có hiệu quả.
II. Bệnh do nấm:
1. Bệnh thối đen, thối thân (black rot)
Thường gặp vào mùa mưa ở những vườn có độ ẩm cao hoặc tưới nước quá nhiều. Bệnh này thường gây thiệt hại nghiêm trọng, cây thường chết nhiều và nhanh chóng, nhất là đối với cây con. Bệnh này thường xuất hiện ở gốc và rễ sau đó lan dần lên thân cây. Ban đầu phát sinh ở chồi non làm chồi non thối và có màu nâu, khi cầm vào thì rời khỏi thân dễ dàng, mềm nhũn và đầy nước. Ở Cattleya đầu tiên bệnh thường phát sinh từ rễ, gốc rồi lan nhanh lên thân. Cây sẽ không thối hay rời ra như ở Dendrobium Pompadour nhưng chúng sẽ khô và chết ngay trên chậu, cây bị bệnh sẽ lan nhanh sang cây khác. Nguyên nhân là do nấm Collectotrichum sp và Phytophthora sp, nhưng phần lớn là do nấm Phytophthora sp. gây ra. Việc bón phân hoà tan không hết khi tưới cho cây sẽ làm cây bầm ngọn và làm nấm bệnh dễ gây hại. Ngoài ra trong mùa mưa, nếu tưới phân có hàm lượng đạm cao cũng là nguyên nhân gây bệnh.
Biện pháp phòng trị: Ở cây con thường dễ bị bệnh hơn, nên tách cây bị bệnh ra riêng và sử dụng thuốc ngừa cho những cây còn lại bằng cách phun hay nhúng cả cây vào dung dịch thuốc nấm. Ở cây lớn thì cắt bỏ phần bị thối, nếu thối đọt thì rút bỏ đọt và phun thuốc nấm vào. Các thuốc diệt nấm có thể sử dụng la: Kasumin, TopsinM, CuzateM8, Score, super Tilt,… theo nồng độ khuyến cáo trên bao bì.
2. Bệnh đốm vòng (Anthracnse)
Lá có chấm tròn màu nâu đỏ, nâu cháy rồi lan rộng ra thành nhiều vòng tròn đồng tâm, sau cùng sẽ khô cháy. Dấu vết to nhỏ tuỳ theo từng loại lan và tuỳ theo từng môi trường mà nấm phát triển, nếu mưa nhiều thì lá sẽ bị thối ngay. Nguyên nhân là do nấm Glocosporium sp. và Collectotrichum sp. gây ra. Bệnh thường xuất hiện vào mùa mưa nên phải phòng ngừa trước, thường xử lý bằng cách cắt bỏ lá bị bệnh và phun các loại thuốc như: Mancozep, Dithal, Vicaben,… theo nồng độ khuyến cáo.
3. Bệnh khô lá (Leaf blight):
Bệnh này thường gặp nhiều như bệnh đốm vòng, hai bệnh này thường phát sinh cùng một lúc nên bệnh này càng trầm trọng hơn. Lúc đầu bệnh làm cho lá bị khô và biến thành màu nâu nhạt, thường khởi đầu bằng một chấm đen ở trên lá, có thể từ đầu lá khô dần vào hay từ gốc lá lan nhanh lên rồi khô hết cả lá.
Nguyên nhân là do nấm thuộc giống Phylostica, thường phát triển do bào tử và phát tán trong không khí nhờ gió.
Biện pháp phòng trị: Phun thuốc Score hay Super Tilt, phun 5ngày/lần cho đến khi cây hết bệnh.
4. Bệnh héo rễ (Wilt):
Bệnh héo rễ là bệnh thông thường nhưng không kém phần quan trọng. Có thể nói rằng trừ Địa lan không bị bệnh này và nó là trở ngại lớn cho những người trồng phong lan.
Hiện tượng: Rễ khô dần, cây còn nhỏ gặp bệnh này có hiện tượng lá úa vàng từ dưới lên và chết cả cây. Đối với cây đã phát triển tốt thì cây không chết nhưng rễ bị khô mục và sẽ làm cho cây chậm phát triển, nếu rễ khô nhiều thì cây càng yếu nhiều.
Nguyên nhân: Do nấm Selectrotium rolfsii gây nên, còn gọi là nấm hạch, những hạch này có thể tồn tại trong môi trường rất lâu, khi có điều kiện ẩm độ và nhiệt độ cao những hạch này phát triển thành sợi nấm và gây bệnh rất nhanh, nếu không chữa trị ngay thì có thể làm hư hết cả vườn.
Biện pháp phòng trị: Có thể dùng các loại thuốc như Anvil, Sumi eight, … phun vào phần gốc rễ, phun 2 lần/ tuần khi bắt đầu chớm bệnh.
III. Bệnh do vi khuẩn
1. Bệnh thối mềm(Soft rot):
Hiện tượng: Từ một chấm nhỏ bắt nguồn từ một dấu bầm trên ngọn lá do giọt nước mưa quá mạnh gây ra rồi lan nhanh thành màu nâu như bị phỏng nước sôi, chỉ cần sờ tay vào một tí đã thấy dính tay, sau đó sẽ thối hết cả chồi.
Nguyên nhân: Do vi khuẩn Erwinia Carotovora gây nên, thường gặp ở những vườn có độ ẩm cao, chăm sóc không đầy đủ và phát triển mạnh vào mùa mưa. Thường vi khuẩn này xâm hại đến cây qua các vết thương hoặc qua vết cắn của sâu bọ và lây lan rất mạnh, cây có thể chết sau 2-3 ngày nhiễm bệnh.
Biện pháp phòng trị: Cắt phần bị thối rồi đem cả cây ngâm vào dung dịch Kasumin 5g/lit trong vòng 15 phút hoặc dùng Agrimycin. Ngưng tưới nước 2-3 ngày sau khi xịt thuốc. Trong trường hợp bị bệnh nặng, nên lấy cây ra khỏi chậu rồi ngâm vào nước thuốc trên, sau đó chuyển sang qua chậu mới. Giá đựng chậu lan bị bệnh dùng dung dịch formol tỉ lệ 1:50 pha với nước và rửa sạch. Sau đó cần phun xịt lại toàn bộ vườn lan để vườn lan hoàn toàn hết bệnh.
2. Bệnh thối nâu (Brown rot)
Hiện tượng: Ở giống lan Cattleya xuất hiện những chấm màu xanh đậm trên lá, vết bệnh hình tròn, lan rộng rất nhanh. Tế bào ở nơi vết bệnh biến thành màu nâu hay đen, mềm nhũn và chứa đầy nước. Nếu để lâu các vết bệnh này sẽ lan ra cả cây rất nhanh. Ở Cattleya thì dấu hiệu bình thường gặp ở lá và khó lan xuống thân cây hơn.
Nguyên nhân: Do vi khuẩn Phytomonas gây ra cộng với sự tổn thương cơ học trong mùa mưa.
Biện pháp phòng trị: Hạn chế các nguyên nhân gây tổn thương cơ học cho cây trong mùa mưa, giữ cho vườn lan không bị quá ẩm. Dùng kháng sinh trong nông nghiệp như Agrimycin phun cho cả vườn và ngưng tưới nước 2-3 ngày. Có thể dùng 1gram Streptomycin+2viên Tetracylin 500 hoà tan vào 1,5 lít nước để trị bệnh cho cây.
IV. Bệnh do virus
Các biểu hiện của vườn lan bị virus thường thấy như lá có đốm trong, màu xanh không đều, có chỗ xanh nhạt, có chỗ xanh đậm. Hoa có màu không đều xen lẫn những vệt trắng, hoa nhỏ, cành ngắn. Cây thường cằn cỗi, không phát triển được. Ở Cattleya thường gặp virus gây nên bệnh sọc trắng ở hoa.
Bệnh virus rất dễ lây lan qua dụng cụ tách chiết, qua các côn trùng châm hút gây hại.
Biện pháp phòng trị: Không có cách chữa trị nào khác ngoài việc phải đốt bỏ cây bị bệnh, khử trùng dụng cụ tách chiết và vệ sinh vườn lan.
Tóm lại: Trong việc phòng trị bệnh cho lan không phải luôn luôn sử dụng thuốc mà quan trọng hơn là phải vệ sinh môi trường thật tốt, sử dụng phân bón hợp lý để tăng tính kháng bệnh cho cây và chế độ tưới tiêu hợp lý để hạn chế sự phát triển nguồn bệnh. Vấn đề này rất quan trọng trong phương thức nuôi trồng lan đại trà để kinh doanh.
>> Xem thêm: Những điều quan trọng cần lưu ý khi chăm sóc Cát lan thời kì ra hoa
Cách phòng trị các loại bệnh và sâu hại khi trồng lan Cát lan Trồng trọt, Kỹ thuật trồng, Giống cây hoa cảnh, Giống cây hoa Lan