Có lẽ chính vì mang trong mình vẻ đẹp của thiên nhiên, nên dù không quá rực rỡ như hoa nhập nội, những đoá hoa lan trong rừng vắng luôn khiến những người yêu lan bị mê hoặc.
Hoa lan rừng khi mang về trồng ở nhà vì bị thay đổi khí hậu và môi trường sống nên rất khó chăm sóc.
Hoa lan rừng khi mang về trồng ở nhà vì bị thay đổi khí hậu và môi trường sống nên rất khó chăm sóc. Chính vì vậy, kinh nghiệm và kỹ thuật trồng lan rừng được rất nhiều người chơi lan quan tâm:
"Rất đơn giản. Mình trồng đinh lăng vào chậu, gắn phong lan vào đinh lăng rồi đặt ra ngoài trời hoặc hiên nhà. Dù có đinh lăng cũng không để nắng chiếu vào phong lan bằng cách xoay cây, hoặc che chắn, hoặc trồng nhiều chậu đinh lăng hoặc đặt dưới dàn thiên lý.... Chú ý đừng để đinh lăng chết khô thì phong lan không chết. Sau 5 năm thì phong lan đẹp như nở trên rừng" - bạn lifecare chia sẻ kinh nghiệm trồng lan rừng
"Phong lan thì không thể trồng trong nhà được đâu bạn à. Nó có những yêu cầu về ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm và cả gió nữa. Tùy từng loài mà có những yêu cầu khác nhau. Ngoài ra còn phải tưới phân định kỳ và thuốc trừ nấm định kỳ cho nó. Bạn nên làm một giàn lan ngoài trời. Chọn nơi có thể lấy được nắng sáng và thoáng gió. Sau đó, lan ra hoa hay không là tùy thuộc vào công chăm sóc của bạn" - bạn buithanhduy0624 chia sẻ
Dưới đầy là những điều cần lưu ý khi trồng lan rừng được chia sẻ từ Vườn hoa lan: "Những điều cơ bản khi trồng lan rừng"
Những cây lan lấy từ thiên nhiên hoang dã, chúng thường không dễ trồng nếu người trồng lan không biết tường tận các điều kiện sinh thái của chúng.
Trước hết bạn cần biết cây lan rừng của bạn được thu hái từ vùng nào: núi cao hay đồng bằng (lưu ý nhiệt độ,quang kỳ), dưới tán cây, trong bụi rậm hay ngoài đồng trống (lưu ý đến cường độ ánh sáng), ở mặt đất hay trên cành cây (lưu ý đến giá thể, đất trồng), chúng có hoa vào mùa nào hay có hoa quanh năm (lưu ý đến thời kỳ nghỉ).
Nếu chúng sống ở đất thì đất trồng phải có đất mùn, rác mục, lá khô vụn, xơ dừa vụn, tro trấu, phân bò khô…Các thành phần trên trộn đều rồi cho vào chậu trồng có lỗ thoát nước tốt ( trồng địa lan). Nếu chúng sống bám trên cây gỗ thì chất trồng tuyệt đối không có đất mà chỉ sử dụng than, xơ dừa…và tùy theo rễ của chúng mà cấu tạo giá thể: Nếu rễ to như Ngọc điểm, Hải yến, Đuôi cáo (Rhynchostylis), thì dùng than lớn, cho chất trồng thật thoáng như cách trồng Vanda. Nếu rễ chúng nhỏ, nhiều như Hàm long (Coelogyne), lan lọng (Bulbophyllum)… thì chất trồng là những cục than nhỏ hơn cho giá thể thoáng, không úng nước như cách trồng Dendrobium, Cattleya.
Nếu chúng chỉ sống ở vùng cao, vùng lạnh như cẩm báo (Hydrochilus parishii), Huyết nhung (Renanthera imshootiana) thì ta phải lưu ý đến nhiệt độ và độ dài ngày đêm.
Nếu chúng ra hoa quanh năm như Nhất điểm hồng (Dendrobium draconis) thì tưới bón quanh năm. Nếu trước lúc ra hoa chúng lại rụng lá, chỉ còn giả hành trơ trụi như long tu (Dendrobium primulinum), giả hạc (Dendrobium superbum) …thì phải chú ý đến thời kỳ nghỉ. Thời gian nghỉ này có thể kéo dài 2 tuần đến trên 1 tháng, lúc ấy ta ngừng hoặc giảm hẳn việc tưới nước, nếu không khi mùa mưa đến chúng chỉ phát triển tươi tốt mà không cho hoa.
Nếu chúng chỉ là những cây địa lan chỉ ra hoa vào mùa mưa thì khi mùa khô đến chúng sẽ tàn rụi đi. Chúng không chết mà chỉ chuyển sang giai đoạn sống chậm bằng củ hay giả hành ở dưới đất, lúc ấy ta không tưới nước cho chúng. Hết mùa khô khi tiết trời mát mẻ thì chúng sẽ đâm chồi trên mặt đất, lúc đó ta lại tiếp tục tưới nước bón phân. Sự khô hạn để cây tàn lụi là điều kiện bắt buộc để chúng phát triển tốt và lại ra hoa sau đó. Vì vậy người trồng lan cần biết để trồng tốt và có thể điều khiển chúng ra hoa theo ý muốn.
>> Xem thêm: Cách thuần dưỡng lan rừng cho người chơi lan