Một số bệnh thường gặp ở cây Táo và biện pháp phòng trị
Ý kiến chia sẻ của bà con nông dân về kinh nghiệm phòng trừ sâu bệnh cho cây táo:
"Vườn táo nhà tôi đang ở trong thời kì nuôi quả, nhưng dạo này tôi thấy trên lá táo bỗng nhiên xuất hiện những đốm phấn mịn màu trắng, có lá màu xám trắng ở mặt dưới của lá. Theo dõi thì tôi thấy những đốm phấn đó lan dần làm mép lá bị cuốn vào bên trong, xoăn tít, lá trở nên thô cứng, giòn và dễ rụng. Cho tôi hỏi đó là bệnh gì, có nguy hiểm không và cách phòng trị như thế nào?" - Bác Lưu chia sẻ
"Xem mô tả của bác, thì tôi nghĩ táo nhà bác đang bị bệnh phấn trắng, nếu bệnh xuất hiện trong thời kì cây nuôi quả, thì tôi nghĩ bác nên cắt tỉa những cành cây bị bệnh đi, tránh lây lan. Bệnh này cũng có thể xuất hiện khi cây sắp ra hoa hoặc kết trái, nên tôi nghĩ bác cũng cắt bỏ và loại bỏ những bộ phận đã bị gây hại nặng trước các đợt ra tược non, ra hoa kết trái non. Bác nên tham khảo thêm nhiều cách phòng trị khác trên internet. Chúc vườn táo nhà bác nhanh khoẻ." - Anh Liễn chia sẻ kinh nghiệm
Một số sâu bệnh phổ biến trên cây táo và cách phòng trị được chia sẻ từ Giống cây trồng: "Một số bệnh thường gặp trên cây táo và cách phòng trừ"
Bệnh sâu cắn lá, cuốn lá trên cây
Vào mùa hè (từ tháng 4-8), khi phát hiện có sâu cắn lá, sâu cuốn lá hoặc nhện đỏ, phải tiến hành phun thuốc Wafatox pha loãng theo tỉ lệ 0,1%, tốt nhất là phun định kỳ 15 ngày/lần. Trước khi táo ra hoa rộ khoảng tháng 8-9, dù không có sâu vẫn nên phun thuốc để đề phòng sâu đục quả non.
Trong thời gian táo ra hoa rộ, nên hạn chế phun thuốc để tránh hiện tượng rụng hoa. Khi táo có quả non, nếu phát hiện có sâu đục quả thì có thể phun Bi 58 pha loãng, nồng độ khoảng 0,07%.
Bệnh do côn trùng đẻ trứng, đục thân
Trong tháng 6-7, thường xuất hiện xén tóc đẻ trứng vào thân cây và sâu non gặm vỏ tạo thành đường xoắn trôn ốc xung quanh thân cây, cắt đứt đường vận chuyển nhựa từ trên xuống làm cây bị vàng và chết. Diệt trừ bằng cách dùng mũi dao sắc rạch theo đường sâu gặm để bắt sâu non, rồi dùng Wofatox pha với tỉ lệ 0,2% bôi vào chỗ gặm. Để đề phòng loại sâu này, hàng năm khi đốn cây, dùng 100g Basudin hoà vào 10 lít nước trộn với phân bò hoặc đất sét quét lên thân cây từ mặt đất lên cao 1m. Không nên trộn với vôi sẽ làm thuốc mất hiệu quả. Khi phát hiện cành lá bị héo đột ngột, phải nghĩ ngay tới sâu đục thân, cành, cách phòng trừ chính là kiểm tra thường xuyên, cắt bỏ kịp thời những cành bị sâu và tiêu diệt sâu non.
Bệnh phấn trắng ở lá
Thường phát triển trên lá non, khi gặp điều kiện ẩm độ không khí cao (trên 85%) và nhiệt độ thấp (dưới 20 độ C). Tác hại của bệnh này không lớn, vì mùa sinh bệnh là mùa táo ở thời kỳ nuôi quả, cành lá già ít nhiễm bệnh. Phòng trừ bệnh phấn trắng trên lá chủ yếu bằng cách cắt tỉa những cành lá bị bệnh. Cách phòng bệnh tốt nhất là với cây giống nên ghép muộn sau tháng 9 và với cây trồng ở vườn không nên đốn cành quá sớm, vì cành lá non nảy lên gặp điều kiện nhiệt độ thấp (dưới 20 độ C) dễ bị nhiễm bệnh).
Bệnh thối quả
Bệnh thường phát sinh khi quả già sắp chín. Quả bị bệnh thối rất nhanh (trong 1 tuần có thể thối hết quả trên cây).
Nếu thấy quả thâm đen ủng nước là do vi khuẩn Erwinia gây nên (quả thâm đen ủng nước). Trường hợp quả bị héo, nhăn nheo hơi khô, như bị mất nước, có thể do nấm Phytophthora cactorum gây ra.
Hiện nay chưa có biện pháp phòng trừ triệt để bệnh thối quả cho táo. Muốn hạn chế bệnh phát triển, cần lưu ý thời kỳ táo có quả nên thường xuyên cắt tỉa những cành lá vô hiệu và quả sâu, héo nhăn nheo để cho tán cây thoáng gió và hứng nhiều ánh sáng.
Ngoài những bệnh trên, thì cây táo còn có bệnh ghẻ táo.
Bệnh ghẻ táo
Đây là bệnh do nấm Venturia inaequalis gây ra. Nấm thường tấn công trên các phiến lá, cuống lá, hoa và trái non, ít khi tấn công trên các chồi non. Các sợi nấm thường lây lan qua các giọt nước, gió…và xâm nhiễm vào các lỗ khí khổng của các bộ phận non ở lá, cuống hoa, quả non để phát triển và gây hại. Trên lá, bệnh thường xuất hiện đầu tiên ở mặt dưới lá trước sau đó mới lan dần. Khi mới xuất hiện đốm bệnh có hình tròn, màu xám xanh, viền dần rõ nét hơn và có tơ màu đen hơi xanh. Sau một thời gian thì các sợi tơ này biến mất, vết bệnh mọc nhô lên trông như những chiếc gai nhỏ. Bệnh nặng làm cho lá bị nhỏ lại, rộp phồng lên và khô chết dọc theo bìa lá. Trên quả, vết bệnh có hình tròn, rõ nét, màu xanh xám, có các sợi tơ phát triển trên đó. Giai đoạn sau các vết bệnh chuyển màu nâu sẫm, nổi thành ghẻ và nứt. Nếu trên bề mặt quả có nhiều vết bệnh và bệnh phát triển mạnh sẽ làm cho cho quả bị biến dạng, méo mó, chất lượng kém, thịt quả cứng, ít nước và ăn không ngon, thậm chí bị rụng sớm.
Cách phòng trị:
Để phòng ngừa bệnh nói trên cần xử lý hết nguồn bệnh trước khi trồng mới hoặc sau các vụ thu hoạch cần đốn tỉa triệt để và thu gom hết các tàn dư cây bệnh đem tập trung và đốt hết để tránh lây lan. Không nên trồng quá dầy làm vườn cây thiếu ánh sáng, cắt tỉa, tạo hình để các cây sinh trưởng phát triển tốt, có độ thông thoáng, tránh được ẩm độ cao trong vườn. Dùng vôi bột, Falizan để xử lý đất. Phun ngừa bằng Bóocđô 1% hoặc các thuốc trừ nấm có gốc đồng như Copper-Zine, Copper-B, Oxýt clorua đồng pha nồng độ 0,25-0,3% (pha 25-30 g/bình 10 lít), Benomyl, Zineb, Difolatan ở nồng độ 0,2% sau khi cánh hoa rụng, rất có hiệu quả phòng ngừa. Khi có triệu chứng bệnh xuất hiện hoặc đã gây hại nặng thì nên dùng các loại thuốc trừ nấm mạnh có tính nội hấp 2 chiều như Ridomil, Aliette 80WP, Topsin M pha nồng độ 0,3% (30 g/bình 10lít) phun kỹ trong và ngoài tán, phun ướt đẫm toàn bộ mặt tán.
Cần lưu ý là các hợp chất đồng có thể làm lá bị đổi màu rêu đỏ (các giống ổi có màu đỏ nhạt tương đối ít bị ngộ độc hơn). Theo khuyến cáo của viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam thì khi trái ổi đạt kích thước 2/3-3/4 kích thước tối đa có thể dùng biện pháp bao trái vừa hạn chế được sự gây hại của sâu bệnh đồng thời giúp cho trái mau lớn và giữ được màu sắc, mã quả đẹp sẽ bán được giá cao. Với các giống ổi quý thì việc bao trái càng nên làm vì dễ làm, chi phí thấp mà hiệu quả lại cao. Có thể sử dụng túi nilon (có cắt vài lỗ nhỏ cho trái hô hấp) hoặc túi giấy chuyên dụng. Nên phun một số thuốc trừ nấm như Antracol 70WP, Topsin M 70WP, Copper-Zinc 85WP trước khi bao trái để trái không bị nhiễm bệnh sau khi bao.
>> Xem thêm: Kỹ thuật trồng táo, giống táo chua Gia Lộc