Nông Nghiệp Nhanh

Hướng dẫn cách trồng rau mầm sạch tại nhà cho bạn

Rau mầm là loại rau rất được mọi người ưa chuộng bởi vị rau ngon hơn các loại rau thông thường, chứa nhiều chất dinh dưỡng và dễ dàng khi chế biến. Vì được nhiều người yêu thích, nên rau mầm càng ngày càng trở nên phổ biến hơn, tuy vậy chất lượng rau lại càng ngày càng không được đảm bảo và thậm chí trên thị trường còn xuất hiện rau bẩn, rau tẩm hoá chất không rõ nguồn gốc. Chính vì vậy, việc tự trồng rau mầm sạch tại nhà đang được rất nhiều gia đình lựa chọn, ngon, bổ, rẻ và đảm bảo an toàn.

Rất dễ dàng để có thể tự trồng rau mầm sạch tại nhà

Hiện nay, có rất nhiều người tiêu dùng đang vô cùng bức xúc vì tình trạng thực phẩm bẩn:

"Tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm đến độ người dân phải tự trồng rau ăn cho an tâm. Chắc sắp tới người dân phải quay lại với mô hình "tự tiêu tự sản" quá."– anh Trần Quốc Huy chia sẻ

"Đã từng làm ở những nơi được gọi cung cấp rau sạch, chứng nhận đầy đủ Vietgap, Iso này nọ. Sau khi vào làm kết luận 1 câu " Rau ở chợ chất lượng cũng như rau ở siêu thị và cửa hàng rau sạch thôi", nên đi làm về toàn ghé chợ mua rau. Rau sạch có lẽ chỉ có chúng ta trồng thì mới tin được." - chị Mai tâm sự

"Trước thực trạng rau cải sử dụng hóa chất tăng trưởng, chất bảo quản độc hại thì làm vườn đủ ăn cho gia đình là ý tưởng hay để tự bảo vệ sức khỏe chính mình." – anh duytai chia sẻ

Với thực trạng rau chứa hoá chất đang được bán tràn lan gây nhiều bức xúc cho người tiêu dùng, bạn có thể tự trồng rau mầm sạch tại nhà để sử dụng hàng ngày.

Chia sẻ cách tự trồng rau mầm sạch theo bài viết từ afamily: “Hướng dẫn 2 cách trồng rau mầm không cần đất siêu nhanh cho các bà nội trợ”

Rau mầm là loại rau sạch. Thường được canh tác bằng các loại hạt giống thông thường như: củ cải, cải bẹ xanh, cải ngọt, cải tùa xại, cải tần ô, rau muống, hành tây...Do rau mầm là loại rau non nên hàm lượng chất dinh dưỡng có trong rau mầm rất cao khoảng 5 lần rau thông thường. Mùi vị của rau mầm cũng thơm ngon hơn các loại rau thông thường. Bạn chỉ cần dùng một lượng nhỏ rau mầm mỗi ngày cũng đủ để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể và là một món ăn thay đổi khẩu vị tuyệt vời.

1/ Cách trồng rau mầm bằng giấy ăn

Chuẩn bị nguyên liệu:

– Giấy ăn: Chỉ cần lấy loại giấy ăn thường dùng.

– Khay: Bạn có thể tận dụng những khay nhựa, hay i-nox, xoong, nồi.

– Hạt giống đem ngâm nước theo tỉ lệ 2 sôi và 3 lạnh. Tuy nhiên có một số loại hạt giống không cần ngâm hạt thì bạn có thể gieo trực tiếp. Nếu như không cầu kỳ thì bạn sờ thấy nước ấm ấm là được. Sau đó bạn hãy loại bỏ những hạt lép, sâu, nhỏ, những hạt này sẽ không nảy mầm hoặc nếu có nảy mầm thì không lớn nhanh hoặc giữa chừng thì bị chết.

– Sau khi đã ngâm xong, bạn rửa hạt giống qua nước. Tùy thuộc vào hạt giống to, hay nhỏ mà thời gian ngâm khác nhau. Với hạt củ cải trắng, hoặc đỏ, thì bạn ngâm 5-6 tiếng. Với hạt rau muống thì để 10-12 tiếng.

– Sau đó rải giấy ăn vào khay và tưới đẫm nước. Rồi gieo hạt lên trên và tưới nước đẫm hạt.

– Bạn nên tưới 1-2 lần mỗi ngày. Sẽ thấy mầm nhú lên dần dần và lượng nước cũng cần nhiều hơn. Tuy nhiên đừng tưới nhiều quá sẽ bị úng. Để cho khay rau trong bóng tối tránh ánh sáng từ 1 ngày đến 3 ngày tùy theo từng loại rau. Đừng lo rau bị vàng nhé khi nào cho ra ánh sáng là xanh ngay.

– Sau khi đã cho ra ánh sáng, rau sẽ xanh. Sau thời gian 7 ngày là bạn thu hoạch được rồi. Hãy yên tâm vì tay không hề dính đất và khi rửa cũng rất nhanh.

2/ Cách trồng rau mầm không cần giá thể

Bất kỳ loại hạt nào đều có thể trồng theo phương pháp này được. Tuyệt đối không mua các loại hạt giống rau thông thường hoặc không rõ nguồn gốc, xuất xứ vì những loại hạt giống này thường chứa chất bảo quản.

- Xử lý hạt: Ngâm hạt theo cách truyền thống, pha nước 2 sôi + 3 lạnh (nhiệt độ từ 50 - 540C), cho hạt mầm vào ngâm 15 - 30 phút, loại bỏ hạt lép, hạt sâu, hạt thối. Các loại hạt đậu, hạt cải, thời gian ngâm khoảng 6 - 7 giờ, đối với hạt rau muống ngâm 12 giờ.

Muốn trồng rau mầm không cần giá thể, trước hết, bạn cần xử lý nguồn nước thật tốt. Nếu cần bạn có thể dùng vôi cục tỷ lệ = 2/1.000 và xử lý lại bằng phèn chua sau đó. Hoặc bạn có thể xử lý bằng nước vôi trong (2-3%): Dùng 200-300g vôi cục hoặc 400 – 500g vôi mới tôi hòa tan trong 10 lít nước sạch. Để lắng 15-20 phút rồi lọc lấy 6-7 lít nước vôi trong. Cách trồng rau mầm không cần đất như thế này sẽ đảm bảo nguồn rau thực sự sạch, không nhiễm khuẩn từ nước.

Làm trong nước bằng cách dùng một miếng phèn chua khoảng nửa đốt ngón tay (khoảng 1g): hòa tan phèn vào một gáo nước, sau đó đổ gáo nước vừa hòa tan phèn vào xô đựng nước khoảng 20 – 25 lít và khuấy đều. Sau khoảng 30 phút khi cặn đã lắng xuống đáy thì gạn lấy nước trong.

Bạn có thể tận dụng tất cả những vật dụng trong nhà như nồi, xoong, chậu nhựa, khay nhựa, hũ…. Yêu cầu đối với những vật dụng này là có nắp kín và đường kính từ 20 cm, chiều cao từ 15 cm trở lên. Ngoài ra, bạn cũng cần tránh ánh nắng trực tiếp.

Bạn có thể tận dụng tất cả những vật dụng trong nhà như nồi, xoong, chậu nhựa, khay nhựa, hũ…. để thay giá thể.

Bạn tiến hành ngâm hạt như cách 1

Khi thấy hạt giống nhú rể, bạn rải đều hạt vào dụng cụ đã chọn với mật độ dày, 2 hạt chồng lên nhau. Sau đó, bạn tưới nước xâm xấp mặt hạt giống tiếp tục ngâm khoảng 15 phút và nhanh chóng đổ nước ra ngoài. Lưu ý, để hạt không bị xáo trộn nhớ dùng vật dụng có đường kính nhỏ hơn để chặn hạt giống lại. Cuối cùng, bạn chỉ việc đậy nắp kín và mỗi ngày tưới nước khoảng 3-4 lần. Càng trong bóng tối, rau mầm càng cho năng suốt tốt. Thích hợp nhất là cho hạt nảy mầm ở nhiệt độ từ 25 – 30 độ C.

Sau khoảng 3 ngày có thể thu hoạch.

Nếu là rau mầm từ các loại đậu, sau khoảng 3 ngày, bạn có thể thu hoạch. Nếu rau muống bạn cần từ 5 - 6 ngày. Với cách trồng rau mầm không giá thể như thế này, năng suất rau mầm cao hơn và thuận tiện hơn rất nhiều cho các hộ gia đình vì có thể tận dụng được nhiều dụng cụ từ đồ dùng trong nhà.

Những lưu ý khi trồng rau mầm

- Tùy vào từng loại hạt giống ta có chế độ ngâm và ủ hạt khác nhau.

Cải xanh, rau dền, xà lách: ngâm khoảng 3 – 5 tiếng, ủ khoảng 8 – 12 tiếng.

Mồng tơi, rau muống: ngâm khoảng 3 – 5 tiếng, ủ khoảng 12 – 36 tiếng.

Kinh giới, tía tô: ngâm khoảng 3 – 8 tiếng, ủ khoảng 12 – 14 tiếng.

Cần, hẹ, hành, ngò gai: ngâm khoảng 8 – 12 tiếng, ủ khoảng 12 – 24 tiếng.

Mướp, bí, bầu, cà tím, cà chua, dưa leo: ngâm khoảng 5 – 8 tiếng, ủ khoảng 12 – 14 tiếng.

Đậu bắp: ngâm khoảng 8 – 12 tiếng, ủ khoảng 12 – 14 tiếng.

Đậu rồng, khổ qua: ngâm khoảng 12 – 14 tiếng, ủ khoảng 24 – 48 tiếng.

Danh sách 1 số loại mầm không nên ăn

Một số loại rau, củ khi nảy mầm sẽ sinh ra độc tố có hại cho sức khỏe con người, gây bệnh ung thư hoặc thậm chí ngộ độc. Vì thế, đối với một số loại mầm sau đây, bạn tuyệt đối không nên trồng, đặc biệt mầm khoai tây là một trong số mầm có độc tính không nên ăn.

Ngoài ra còn một số loại củ sau bạn cần lưu ý: Cây sắn, Đậu kiếm, Đậu mèo, Đậu trứng chim, Đậu ván già, Dưa dây, Khoai lang, Măng.

Ngoài những cách trồng rau mầm như trên, còn có rất nhiều cách trồng rau mầm tại nhà khác nhau. Nếu bạn có thêm nhiều cách trồng rau sạch an toàn và tiện lợi tại nhà, bạn có thể cùng tham gia chia sẻ kinh nghiệm bên dưới.

>> Xem thêm: Hướng dẫn trồng rau sạch tại nhà trong thùng xốp đơn giản