Nông Nghiệp Nhanh

Các loại sâu bệnh hại cây cam quýt bưởi và cách phòng trị (P2)

Trong phần này, bài viết sẽ giúp bạn tìm hiểu thêm về một số loại sâu thường gặp ở cây cam quýt như: nhện đỏ, rệp, bọ xít,... và các biện pháp phòng tránh. Vào mùa khô nên tưới đầy đủ để tạo độ ẩm và khí hậu mát cho vườn cây, biện pháp này rất có hiệu quả trong việc hạn chế sự phát triển của nhiều loại sâu bệnh hại.

Các loại sâu bệnh hại cây cam quýt bưởi và cách phòng trị

Chia sẻ của người làm vườn về vấn đề sâu bệnh hại cây cam quýt bưởi và các loại cây có múi khác:

"Vườn quýt nhà tôi cứ vào mùa đậu quả là thường bị một số loài bọ xít đến gây hại, ảnh hưởng rất lớn tới năng suất và chất lượng. Nó đến hút quả, làm cho quả bị vàng, thối rụng. Bọ xít gây hại chủ yếu là bọ xít xanh. Cho tôi hỏi có cách nào ngăn chặn và trị được bọ xít này không?" - Bác Hoan chia sẻ

"Trên vườn cam, quýt của gia đình chúng tôi đã vài năm nay không thấy con rệp sáp phấn gây hại nữa, nhưng không rõ tại sao gần đây lại thấy chúng xuất hiện và gây hại. Xin được nói rõ thêm về con rệp này và cách phòng trị chúng?" - Anh Minh chia sẻ

Các loại sâu bệnh hại cây cam quýt bưởi và cách phòng trị được chia sẻ từ Thế giới hạt giống hoa: "Sâu bệnh hại cây cam quýt (Phần 2)"

Trong phần 2 này, bài viết sẽ giúp bạn tìm hiểu thêm về một số loại sâu thường gặp ở cây cam quýt và các biện pháp phòng tránh.

7/ Nhện hại cây có múi

7.1/ Nhện đỏ cam

a/ Triệu chứng

Nhện đỏ sống ở mặt trên lá già, lá bánh tẻ (khi mật độ cao sống cả ở mặt dưới lá, cành lộc non, quả). Nhện đỏ chích hút nhựa cây tạo thành các vết chấm nhỏ li ti màu trắng bạc hơi vàng. Bị hại nặng cả lá và quả có màu trắng hơi vàng, lá bị rụng. Trên mặt lá và quả bị hại có tơ mỏng.

b/ Nguyên nhân gây bệnh

Do nhện đỏ cam hại cây có múi có tên khoa học là Panonychus citri M, tổng họ nhện chăng tơ (Tetranychoidea), bộ ve bét (Acariana). Con trưởng thành cái có hình ô van màu đỏ sẫm, thân dài khoảng 0,4mm. Lông trên lưng dài mọc trên u lông. Con đực có cơ thể nhỏ hơn, nhưng chân dài hơn.

c/ Sự truyền lan của bệnh

Nhện đỏ tấn công trên lá và trái, chích và hút nhựa lá và trái. Trên lá, nhện bám ở mặt dưới lá, vết cạp và hút tạo thành những chấm nhỏ li ti trên mặt lá. Khi bị nặng, vết chấm lan rộng, lá có màu ánh bạc, sau đó lá bị khô và rụng. Nhện đỏ tấn công cả trên cành non, làm cành khô và chết. Trên trái, nhện đỏ sống tập trung ở phần cuống trái, đít trái và trong các phần lõm của trái. Khi trái còn non, nhện chích và hút dịch ở lớp biểu bì và làm vỡ tuyến tinh dầu trên vỏ trái, sau đó vỏ trái bị biến màu, tạo những đốm nhám sần sùi trên vỏ trái.

d/ Điều kiện phát sinh, gây hại

Nhện đỏ có 5 giai đoạn phát triển: trứng, ấu trùng, hai giai đoạn nhộng trần và giai đoạn trưởng thành. Con cái đẻ trứng hình cầu (đường kính khoảng 0.15 mm) ở mặt dưới lá. Ấu trùng có màu hơi trắng, nhỏ, có 3 đôi chân; trong khi nhộng trần và con trưởng thành có 8 chân. Các con trưởng thành của loài nhện hai chấm có tơ rất nhỏ, có hình bầu dục, hơi vàng hay xanh ngoại trừ 2 chấm đen phía trên lưng. Các con trưởng thành của loài nhện đỏ có màu đỏ mận. Ở 20°C và độ ẩm thấp (khoảng 35%), con cái có thể đẻ khoảng 7 trứng/ngày; khi độ ẩm cao (95%) thì khoảng 5 trứng/ngày. Ở nhiệt độ 32, 21, 18 và 15.5°C nhện đỏ hoàn tất chu trình sống của nó lần lượt là 3.5, 14.5, 21 và 30 ngày theo từng giai đoạn.
Nhện đỏ phát sinh quanh năm. Nhất là vào vụ đông xuân.

7.2/ Nhện rám vàng

a/ Triệu chứng

Gây hại làm lá méo mó, mép lá bị cong xuống và thường có màu đồng thiếc ở mặt dưới lá. Thân non sinh trưởng còi cọc.

b/ Nguyên nhân gây bệnh

Nhện vàng Phylocoptruta oleivora gây ra. Nó có kích thước rất nhỏ, dài khoảng 0,02 mm. Thành trùng màu vàng nhạt, cơ thể dẹp, hơi thon dài hình dạng củ cà rốt. Chân có nhiều lông tơ. Trứng rất nhỏ tròn màu trắng. Ấu trùng màu vàng nhạt.

c/ Sự truyền lan của bệnh

Cả con trưởng thành và nhện non đều tập trung chích hút dịch cây trên vỏ quả, làm vỏ quả biến màu, chuyển sang màu xỉn, màu nâu đen, gây hiện tượng da lu, da cám. Trái bị hại thường có vỏ dày hơn bình thường và trái nhỏ kém phát triển, giảm chất lượng của trái.

d/ Điều kiện phát sinh, gây hại

Do điều kiện khí hậu khô nóng, ít mưa đã tạo điều kiện cho nhện sinh trưởng và phát triển mạnh.

7.3/ Nhện trắng

a/ Triệu chứng

Nhện trắng thường thích tấn công phần vỏ trái non nằm trong tán lá. Khi bị gây hại, bề mặt vỏ trái biến màu chuyển sang màu xỉn, màu nâu đen, phát triển không đều, gần giống triệu chứng da cám. Quả bị hại từ nhỏ sẽ không lớn được, có khi bị khô và rụng.

b/ Nguyên nhân gây bệnh

Do nhện Polyphagotarsonemus latus gây ra.

c/ Sự truyền lan của bệnh

Nhện trắng thường thích tấn công phần vỏ trái non nằm trong tán lá. Gây hại chủ yếu trên quả làm cho quả không lớn được, mã quả xấu, làm giảm giá trị thương phẩm. Trên các quả non có đường kính dưới 1 cm nhện trắng gây hại để lại các vết rám màu đen hoặc màu đồng nâu bóng không bình thường (nhiều nơi gọi là hiện tượng da lu). Trên những vườn cam, bưởi già tỉ lệ quả bị rám cao hơn so với các vườn mới bước vào thu hoạch.

d/ Điều kiện phát sinh, gây hại

Điều kiện khí hậu ấm nóng, ít mưa. Nhiệt độ để nhện phát triển mạnh là 250C.

e/ Biện pháp phòng tránh

Vào mùa khô nên tưới đầy đủ để tạo độ ẩm và khí hậu mát cho vườn cây, biện pháp này rất có hiệu quả trong việc hạn chế sự phát triển của nhện; trường hợp nhện đang xuất hiện và phát triển trong vườn, khi tưới nước nên sử dụng vòi nước có áp lực mạnh phun trực tiếp lên tán lá, trái giúp là rửa trôi nhện. Tuy nhiên, không tưới phun vào buổi chiều tối trên các vườn đang bị bệnh loét vi khuẩn vì có thể làm bệnh lây lan và phát triển nặng hơn.
Thường xuyên vệ sinh vườn, tiêu hủy các lá, trái bệnh để diệt nhện lưu tồn trong đó nhằm hạn chế nguồn nhện lây lan.
Cần bón phân cân đối; sử dụng phân chuồng để bón cho cây hàng năm vào giai đoạn sau khi thu hoạch giúp cây khỏe, chống chịu tốt hơn đồng thời hạn chế sự phát sinh của nhện.
Tránh để cành, lá và trái tiếp xúc với mặt đất nhằm hạn chế nhện di chuyển từ mặt đất lên cây.
Xen canh cây cam quýt với cây ăn trái khác giúp làm giảm đáng kể mật độ nhện hại.
Thiên địch chính của nhện là các loài côn trùng bắt mồi như bọ rùa, nhện thiên địch thuộc họ Phytoseiidae. Cần bảo vệ và phát huy vai trò của thiên địch bằng cách hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu phổ rộng. Nhện đỏ có khả năng kháng thuốc cao, nên sử dụng luân phiên các loại thuốc hóa học để ngăn nhện hình thành tính kháng: Dầu khoáng, Hexythiazox (Tomuki 50EC, Nissorun 5EC, Lama 50EC...), Propargite (Comite 73EC, Sagomite 57EC...), Pyridaben (Hapmisu 20EC, Nomite - Sạch nhện 180EC...), Amitraz (Binhtac 20EC, Mitac 20EC...), Diafenthiron (Detect 50WP, Pegasus 500SC, Pesieu 500SC...)

8/ Bọ xít xanh vai nhọn

a/ Triệu chứng

Khi quả nhỏ bị gây hại, quả sẽ vàng, chai và rụng sau đó. Nếu quả lớn bị tấn công, quả có thể bị thối do bị bội nhiễm nấm hoặc một số vi sinh vật khác. Nơi vết chích có một chấm nhỏ với một quầng màu nâu.

b/ Nguyên nhân gây bệnh

Do bọ xít Rhynchocoris humeralis gây ra. Con trưởng thành có màu xanh lá cây, bóng với chiều dài cơ thể 20-22mm, chiều rộng 15-16mm. Kim chích hút dài đến cuối bụng. Rìa ngực trước có 2 gai nhọn, 2 bên mép bụng có rìa răng cưa. Chính giữa mặt bụng có một đường nổi rõ rệt.

c/ Sự truyền lan của bệnh

Bọ xít tấn công trái khi trái còn rất nhỏ. Cả thành trùng lẫn ấu trùng đều dùng vòi để chích hút trái. Khi trái nhỏ bị gây hại, trái sẽ vàng, chai và rụng sau đó. Nếu trái lớn bị tấn công, trái có thể bị thối do bị bội nhiễm nấm hoặc một số vi sinh vật khác. Nơi vết chích có một chấm nhỏ với một quầng mầu nâu. Sự thiệt hại quan trọng nhất vào giai đoạn trái nhỏ. Một con bọ xít trong một ngày có thể chích trên nhiều trái.

d/ Điều kiện phát sinh, gây hại

Vòng đời của bọ xít xanh kéo dài 65-70 ngày. Bọ xít trưởng thành sống nhiều tháng và có tập tính qua đông, qua hè. Hàng năm, bọ xít xanh hình thành 4 lứa. Chúng xuất hiện vào các tháng 10-12 và 3-4.
Chúng thường xuất hiện và gây hại ở những vườn rậm rạp, cành lá um tùm, những vườn cam quýt đã gìa có nhiều bóng mát nhiều hơn những vườn khác.

Bọ xít xanh vai nhọn hại cam quýt

e/ Biện pháp phòng tránh

Không nên trồng qúa dày, thường xuyên cắt bỏ các cành gìa, cành bị sâu bệnh để vườn luôn được thông thoáng, hạn chế nơi trú ngụ và tác hại của chúng. Thu thập và nhử nuôi kiến vàng trong vườn cam quýt để kiến tiêu diệt bọ xít.
Dùng vợt tay để bắt bọ xít vào lúc sáng sớm hay chiều mát, thường xuyên kiểm tra trái và những lá gần trái để phát hiện và thu gom ổ trứng của chúng đem tiêu hủy.
Ở những vườn thường xuyên bị bọ xít gây hại nặng hàng năm thì từ khi tượng trái trở đi (hoặc ở những vườn có mật số bọ xít cao khoảng 3-4 con /100 trái) nên sử dụng một số loại thuốc như: Bassa 50EC (hoặc Bassan 50EC, Basatigi 50EC, Hoppercin 50EC, Vibasa 50EC…), Sherpa 10EC/25EC (hoặc Cyper25EC, Visher25ND, Cyperan 50EC/10EC /25EC…), Fastac 5EC (hoặc Vifast 5ND, Visca 5EC…) để phun xịt. Sau khi xịt khoảng một tuần nếu thấy vẫn còn bọ xít thì nên xịt thêm một đến hai lần nữa.

9/ Sâu nhớt

a/ Triệu chứng

Sâu non ưa ăn các mô mềm trên lộc, lá non và quả non. Nếu sâu ăn từ mặt trên lá xuống dưới thì gây thủng lỗ chỗ; nếu ăn từ mặt dưới lá lên trên thì chừa lại một màng trắng. Sâu non ăn đến đâu tiết ra một chất dịch nhầy và dính làm cho các lá héo khô và rụng. Nếu gây hại nhẹ trên quả non thì tạo thành những vết sẹo làm quả bị dị hình khi lớn; nếu gây hại nặng quả sẽ rụng.

b/ Nguyên nhân gây bệnh

Do sâu nhớt Clitea metallica Chen gây ra. Con trưởng thành có cánh cứng màu xanh đen, ánh kim loại. Thân dài khoảng 4cm.

c/ Sự truyền lan của bệnh

Con trưởng thành thường nghỉ đông ở các kẽ nứt của vỏ gốc cây. Từ tháng 1-3, khi lộc xuân bắt đầu phát triển thì chúng bay ra, đẻ từng đôi trứng vào các lá còn non. Con cái có thể đẻ tới 500-700 trứng. Trứng hình ô van, dài 0,6 mm, màu trắng, sau chuyển thành màu vàng rồi vàng nâu là lúc trứng sắp nở thành sâu non. Đẻ xong trứng, con trưởng thành tiết ra một chất dịch phủ toàn bộ trứng để bảo vệ.
Sâu non thường nở vào tháng 2-3-4, ở tuổi cuối dài khoảng 6mm. Sâu non ưa ăn các mô mềm trên lộc, lá non và quả non. Nếu sâu ăn từ mặt trên lá xuống dưới thì gây thủng lỗ chỗ; nếu ăn từ mặt dưới lá lên trên thì chừa lại một màng trắng. Sâu non ăn đến đâu tiết ra một chất dịch nhầy và dính làm cho các lá héo khô và rụng. Nếu gây hại nhẹ trên quả non thì tạo thành những vết sẹo làm quả bị dị hình khi lớn; nếu gây hại nặng quả sẽ rụng.
Sau 20 ngày, sâu non bò dọc theo thân cây xuống đất hoặc các kẽ nứt ở gốc cây để làm nhộng. Thêm 7 ngày nhộng sẽ hoá thành bướm trưởng thành bay đi.

d/ Điều kiện phát sinh, gây hại

Giữa tháng 2 thời tiết bắt đầu ấm dần lên là điều kiện để sâu nhớt sinh nở nhanh, phát triển mạnh. Nhiệt độ 20-250C là điều kiện tốt cho sâu nhớt phát triển.

e/ Biện pháp phòng tránh

Sâu nhớt rất dễ diệt trừ, thậm chí mưa to sâu cũng bị rửa trôi và chết hàng loạt. Kinh nghiệm một số nơi như ở Nghệ An, nông dân dùng tro bếp vấy lên tán lá, sâu cũng chết hàng loạt do bị dính tro. Tuy nhiên, do sâu nhớt có tốc độ sinh sôi nảy nở nhanh và mức phá hại khá lớn, nhiều khi phòng trừ không kịp nên cần lưu ý: Những vùng năm trước đã bị hại nặng thì ngay từ tháng 12 cần làm vệ sinh xung quanh gốc cây và phun các loại thuốc trừ sâu dạng tiếp xúc để diệt con trưởng thành.
Lứa phá hại nghiêm trọng nhất của sâu nhớt là vụ xuân, cần phun một trong các loại thuốc trừ sâu như Selecron 500 ND, Ofatox 400 EC, Regent 800 WG, pha nồng độ 0,1% (10cc/bình 10l), phun kịp thời khi lộc non mới nhú bằng hạt gạo; phun lần 2 vào 15 ngày tiếp theo. Có thể phun lần 3 vào tháng 4 khi thấy sâu non gây hại trên quả non. Các lứa sâu nhớt phát sinh trong vụ hè không đáng kể vì có thể bị các thiên địch ăn thịt hoặc không còn lộc non để ăn nên không cần phải phun thuốc nữa.

10/ Sâu xanh bướm phượng cánh chấm đỏ

a/ Triệu chứng

Sâu non ăn rải rác trên lá non, búp non làm cho lá bị khuyết, ảnh hưởng đến quang hợp của cây.

b/ Nguyên nhân gây bệnh

Do con sâu xanh ăn lá cam quýt (Papilio sp.), chúng thuộc họ Bướm phượng (Papilionidae), bộ cánh vẩy (Lepidoptera) gây ra.

c/ Sự truyền lan của bệnh

Bướm cái đẻ trứng rải rác (thường 1-3 quả) trên mặt lá non, búp lá. Trứng hình tròn màu trắng đục và khá lớn (khoảng 1mm). Sau khi nở sâu non có màu nâu đậm và rải rác trên lá non, ít di chuyển, gần như bất động, nếu không có kinh nghiệm hoặc không chú ý sẽ rất dễ lầm tưởng đó là những cục phân chim. Sau khi nở sâu ăn vỏ trứng sau đó ăn lá non, chồi non, khi lớn sâu chuyển dần sang màu xanh lục, có viền trắng vàng như vành khăn trên đầu. Sâu ăn rất khỏe (nhất là ở tuổi lớn), làm cho lá bị khuyết thủng.
Vào những đợt cây ra chồi non, lá non chỉ cần không thăm vườn trong vài ngày đã có thể bị sâu gây hại rất nặng. Đẫy sức sâu lớn cỡ cây viết chì và dài khoảng 4cm, đến lúc này sâu có thể ăn cả lá bánh tẻ. Nếu bị hại nặng lá cam quýt chỉ còn trơ lại gân chính, cành lá xơ xác, ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình quang tổng hợp của cây, làm cho cây suy yếu, còi cọc.

d/ Điều kiện phát sinh, gây hại

Bướm phượng chỉ hoạt động ban ngày, hút mật hoa. Chúng thường giao phối vào buổi sáng, đẻ trứng trong cùng ngày hoặc vào ngày hôm sau. Trứng đẻ rải rác từng quả vào các đọt và lá non, thời gian trứng 3-7 ngày. Hàng năm sâu non xuất hiện và gây hại trên vườn cam, quýt từ tháng 4 đến tháng 9.

e/ Biện pháp phòng tránh

Nên áp dụng các biện pháp nuôi các loại thiên địch của sâu xanh cánh phượng để khống chế sâu phát triển mạnh như ong mắt đỏ Trichogramma chilonis, kiến vàng Oecophylla smaragdina. Thường xuyên kiểm tra vườn quả, nếu mật độ sâu thấp có thể bắt bằng tay. Nếu thấy mật độ cao, có thể tiến hành phun thuốc phòng trừ sâu non bằng các loại thuốc trừ sâu như sumicidin 50EC, fastac 50EC, regent 80WG, dipel, delfin, biocin, cypermethrin…

11/ Rệp muội trên cây ăn quả

11.1 Rệp muội bông

a/ Triệu chứng

Rệp muội bông chích hút nhựa làm cho chồi và lá non xoăn lại, cây sinh trưởng kém, lá vàng, quả nhỏ và cháy xám.

b/ Nguyên nhân gây bệnh

Do rệp muôi bông aphis gossypii gây ra. Rệp muội là những côn trùng thân mềm, miệng chích hút, thân dài khoảng 1,3 - 2mm, rệp có râu đầu dài và có hai ống bụng, màu sắc và hình dạng của ống bụng thay đổi theo loài. Rệp có hai loại có cánh và không cánh đẻ con.

c/ Sự truyền lan của bệnh

Rệp thải ra chất bài tiết không chỉ làm đóng khí khẩu của lá mà còn góp phần tăng sự phát triển của mốc đen, giảm khả năng quang hợp.
Là phương tiện góp phần lây lan virus từ những cây bệnh sang cây khỏe vì vậy làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất cây trồng.
Rệp muội bông xuất hiện là do kiến. Đầu tiên các loại rệp hút nhựa cây, tạo ra đường mật. Các loại kiến sẽ ký sinh ăn đường của rệp, nhờ vậy đưa trứng rệp phát tán khắp vườn cây. Tiếp đến, lượng đường thừa của rệp là vùng đất màu mỡ phát sinh các loại muội đen làm hạn chế khả năng quang hợp của cây.

d/ Điều kiện phát sinh, gây hại

Thời tiết khô, ít mưa thích hợp cho rệp muội bông phát triển.

11.2/ Rệp muội cam màu nâu đen

a/ Triệu chứng

Rệp muội sống tập trung ở các chồi non, lá non, trái non hút nhựa làm và lá non xoăn lại, cây chậm phát triển, quả bị khô héo.

b/ Nguyên nhân gây bệnh

Do rệp muội Toxoptera aurantii gây ra. Trưởng thành có cánh hoặc không cánh. Kích thước của trưởng thành cái (không cánh và có cánh) dài khoảng 1,7-2,1mm. Trưởng thành cái không cánh có hình bầu dục nâu đen hoặc nâu đỏ, bóng. Giai đoạn ấu trùng có màu nâu. Các đoạn nối các đốt râu đầu của trưởng thành cái không cánh và ấu trùng tuổi lớn có màu tối nên râu đầu trông như có sọc. Cánh trước của trưởng thành cái có cánh có pterostigma màu đen sậm và chỉ có 1 gân chẻ đôi media. Ống siphunculi dài gấp đôi cauda. Cả 2 bộ phận siphunculi và cauda đều có màu đen.

c/ Sự truyền lan của bệnh

Rệp muội sống tập trung ở các chồi non, lá non, trái non hút nhựa làm và lá non xoăn lại, cây chậm phát triển, quả bị khô héo. Trong quá trình sinh sống, rệp tiết ra chất thải là môi trường phù hợp cho nấm bồ hóng phát triển và dẫn dụ kiến.
Là tác nhân truyền bệnh lá nhỏ "Spiroplasma citri” trên cam quýt.

d/ Điều kiện phát sinh, gây hại

Thời tiết khô, ít mưa thích hợp cho rệp muội phát triển mạnh.

11.3/ Rệp muội đen

a/ Triệu chứng

Gây hại bằng cách chích hút chồi non, tập trung chủ yếu ở mặt dưới lá, làm chồi biến dạng, lá cong queo còi cọc, không phát triển.

b/ Nguyên nhân gây bệnh

Do rệp muội Toxoptera citricidus gây ra. Rệp muội đen có cánh hoặc không cánh, hình dạng và kích thước tương tự như T. aurantii.

c/ Sự truyền lan của bệnh

Đây là loài rệp muội gây hại quan trọng nhất trên cây có múi (Citrus). T. citicidus gây hại bằng cách chích hút chồi non, tập trung chủ yếu ở mặt dưới lá, làm chồi biến dạng, lá cong queo còi cọc, không phát triển. Ngoài ra, rệp muội đen còn tiết mật ngọt làm nấm muội đen phát triển, ảnh hưởng đến sự quang hợp của cây. T. citricidus còn là tác nhân quan trọng trong việc truyền bệnh “Tristeza” trên cam quýt.

d/ Điều kiện phát sinh, gây hại

Thời tiết khô, ít mưa thích hợp cho rệp muội phát triển mạnh.

e/ Biện pháp phòng tránh

Rệp có rất nhiều thiên địch như­ bọ rùa ăn rệp (tr­ưởng thành và ấu trùng), chuồn chuồn cỏ, ong ký sinh và ruồi ăn rệp. Trong những điều kiện bình thư­ờng chúng rất có hiệu quả trong việc ngăn cản sự phát triển quần thể rệp. Với vòng đời ngắn, rệp th­ường chỉ gây hại nghiêm trọng sau khi việc phun thuốc trừ dịch hại tiêu diệt hầu hết các loại thiên địch này, giúp cho rệp nhân nhanh số l­ượng. Có thể sử dụng các loại thuốc trừ sâu phổ biến gốc Cúc, Carbamate hoặc gốc lân hữu cơ... để phòng trị.
Nên vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại, tạo độ thông thoáng trong vườn để hạn chế sự gây hại của rệp.

12/ Rệp sáp trên cây ăn quả có múi

a/ Triệu chứng

Rệp chích hút nhựa, lá vàng, cây chậm phát triển,còi cọc. Khi mật độ rệp cao có thể làm khô cành,khô ngọn.

b/ Nguyên nhân gây bệnh

Do rệp sáp Planococcus citri gây ra. Rệp trưởng thành cái hình bầu dục, dài 2,5-5 mm, không cánh, trên mình phủ một lớp sáp trắng. Rệp trưởng thành đực dài 1 mm, màu xám nhạt, có một đôi cánh mỏng và trong suốt.

c/ Sự truyền lan của bệnh

Rệp cái đẻ trứng thành ổ, bên ngoài có lớp bột trắng bao phủ. Rệp non mới nở bò di chuyển đến chỗ thích hợp để sống cố định. Rệp sống tập trung thành đám ở ngọn và lá non. Là trung gian truyền các bệnh về nấm, virus cho cây.

d/ Điều kiện phát sinh, gây hại

Rệp phát triển nhiều trong thời tiết nóng và ẩm.

e/ Biện pháp phòng tránh

Cắt tỉa những cành sâu bệnh, cành già, cành tược nằm trong tán lá để vườn cây thông thoáng. Thường xuyên dọn sạch cỏ rác, lá cây mục tụ ở xung quanh gốc để phá vỡ nơi trú ngụ của kiến. phun thuốc kỹ ướt đều cây, phun hai lần cách nhau 7-10 ngày để diệt tiếp lứa rệp non mới nở như Nurelle D 25/2.5EC, Oncol 20EC, Cori 23EC, Mospilan 3E, Elsan 50EC, Applaud 10WP, Dầu khoáng Citrole 96.3EC...

>> Xem thêm: Các loại sâu bệnh hại cây cam quýt bưởi và cách phòng trị (P1)