Nông Nghiệp Nhanh

Biện pháp phòng trừ các loại sâu bệnh hại cây Dừa

Dừa là loại cây dễ trồng, ít đầu tư phân, thuốc như các loại cây trồng khác, ít chịu ảnh hưởng của biến đổi khi hậu và đặc biệt là thích hợp với vùng đất Bến Tre. Mặc dù, là loại cây dễ tính, dễ trồng nhưng để đạt năng suất cao thì đòi hỏi nông dân cũng phải quan tâm chăm sóc, nhất là việc phòng trừ các loại sâu bệnh gây hại để bảo vệ vườn dừa.

Biện pháp phòng trừ các loại sâu bệnh hại cây Dừa

Kinh nghiệm phòng trừ các loại sâu bệnh hại cây dừa từ người dân:

"Tình hình là nhà vườn dừa nhà tôi ( BR-VT ) có khoảng 400 cây, được gần 5 năm tuổi hơn một nửa đã ra trái và trong đó có khoản 30 cây đã bị con đuông phá hoại.
Tôi cũng không biết phòng trừ nó như thế nào? Tôi rất mong sự tư vấn của mọi người, ai có kinh nghiệm trong việc này. Xin cám ơn!" Anh Hoàn chia sẻ

"Theo như bạn nói thì vườn dừa của bạn có quá nhiều đuông rồi, nếu bạn không nhanh tay thì đuông từ 30 cây này nở ra, không những dừa của bạn mà những vườn dừa xung quanh cũng bị chúng phá hại. Theo kinh nghiệm của mình thấy thì đuông dừa chỉ tấn công dừa tơ mới ra trái, đối với vường dừa trên 10 năm thì hấu như không còn thấy chúng nữa. Bây giờ bạn dùng cây vừa tay gỏ gỏ khám 30 cây kia, cây nào gỏ xong áp tai vào nghe tiếng rào rào bên trong thì hạ cây đó lấy đuông thôi, phần củ hủ bị ăn hết rồi, theo mình thì không có hy vọng cho 29 cây còn lại, đuông dừa chỉ có phòng thôi chứ không có trị, khi thấy cây dừa có biểu hiện héo úa bên ngoài thì bên trong xong rồi bạn ạ.
Trước giờ tôi và nhiều người ở Bến Tre hay dùng thuốc trừ sâu Basudin, phun lên phần đọt non, cây nào mới bị dụt thì cho thuốc vào rồi lấy đất trám lại, dùng bông gòn hay mụn dừa nhét vào bọc vải tẩm thuốc treo lên ngọn, nó nghe mùi hôi nó sợ bay đi, hết hôi lại cho thuốc vào. Nhân tiện mình nói luôn : ở Bến Tre còn 1 loài bọ cánh cứng tấn công dừa mọi lứa tuổi, nếu dừa nhà bạn có thì dùng thuốc lưu dẫn Actara phun định kỳ 1 tháng 1 lần đối với dừa tơ, còn với dừa cao phun không tới thì mình dùng khoan 10 li tạo 1 lổ nghiêng chừng 35 độ, khoan sâu chừng 3cm rồi cho thuốc vào lấy đất đắp miệng lại. Mình chỉ biết có vậy hy vọng giúp được phần nào cho vườn dừa của bạn. (với dừa uống nước bạn chú ý, thời gian cách ly trên bao bì khi dùng thuốc lưu dẫn nhé)." - Bạn DatPhuSa chia sẻ

Chia sẻ biện pháp phòng trừ một số sâu hại thường gặp trên cây dừa từ Hiệp hội dừa Bến Tre: "Phòng trừ sâu bệnh hại dừa"

Cây dừa cũng có nhiều sinh vật phá hại và một số bệnh làm giảm năng suất hoặc làm chết dừa. Dưới đây là một số vật gây hại và một số bệnh thường gặp cùng cách phòng trừ.

1. Côn trùng gây hại:

Các côn trùng được giới thiệu dưới đây như kiến vương, đuông, bọ dừa, bọ vòi voi, bọ xít.., mỗi loại có hình dạng và cách gây hại khác nhau, nhưng vòng đời của chúng đều bắt đầu từ trứng nở ra ấu trùng là sâu non, sâu non lớn dần và hóa nhộng, từ nhộng lột xác thành trùng (tức là bọ trưởng thành).

Một số loại côn trùng thường gây hại trên cây dừa:

1.1. Kiến vương

* Cách gây hại:

- Chỉ có thành trùng (tức kiến vương trưởng thành) mới phá hại.

- Chúng cắn phá phần mô mềm ở ngọn và đọt non, làm các lá không nở được hoặc bị nhăn nheo, hay có vết sẹo hình chữ V.

- Các vết thương do kiến vương gây ra tạo điều kiện cho các vi sinh vật gây bệnh xâm nhập, hoặc đuông có điều kiện đẻ trứng và gây hại. Nếu bị tấn công nặng vào giai đoạn cây con, dừa có thể bị chết.

- Kiến vương cắn phá mạnh nhất vào sáng sớm và chiều mát và thường gây hại nặng vào mùa mưa.

* Biện pháp phòng trừ kiến vương:

- Thường xuyên vệ sinh vườn dừa, dọn nhen dừa đã mục để kiến vương khó ẩn nấp và khi bị chúng tấn công, ta cũng dễ phát hiện các dấu vết, như đã nêu.

- Tránh gây vết thương cho cây (vì kiến vương sẽ theo đó mà xâm nhập)

- Dùng 300gr mạt cưa trộn với 30gr Regent 0,3G (hoạt chất Fipronil) hoặc Basudin 10H (hoạt chất Diazinon) … rải lên các nách lá đọt vài tháng một lần.

- Dùng 1 đoạn lưới cước (lưới bén) cỡ mắt lưới 2 cm, dài 3 m x rộng 0,6m, quấn kín khoảng 5-6 kẻ bẹ lá ngọn, khi kiến vương bay vào sẽ bị vướng lưới chết.

- Dùng vôi quét kín phần gốc dừa tơ một đoạn cao khoảng 1,5 m, để ngăn không cho đuông đẻ trứng vào các vết nứt của gốc.

- Nếu phát hiện có kiến vương tấn công dừa, dùng Regent, Basudin kết hợp Aliette pha đậm đặc bơm vào các lỗ đục.

- Các cây dừa bị kiến vương làm chết phải đốt, tiêu hủy (có thể ngâm dưới mương) hoặc xử lý bằng hóa chất để tránh lây lan.

1.2. Đuông dừa:

* Cách gây hại:

- Sự gây hại chủ yếu gây ra ở giai đoạn ấu trùng.

- Thành trùng cái đẻ trứng vào các vết thương do kiến vương gây ra, hoặc các vết nứt quanh gốc cây dừa tơ (nhất là từ 2 đến 5 tuổi). Chúng cũng đẻ trực tiếp trên đọt non của cây dừa. Trứng sẽ nở ra sâu non (ấu trùng) và chúng đục phá thẳng vào củ hủ, để lại nhiều sẹo lớn, cây dừa bị dị dạng. Nếu nặng hơn, cây dừa sẽ chết trong khi các lá già vẫn còn xanh.

- Sự phá hại của đuông dừa rất khó phát hiện ở giai đoạn đầu, khi các triệu chứng đã rõ thì cây đã bị thiệt hại nặng.

- Nếu quan sát kỹ cũng có thể sớm phát hiện một số dấu vết như: các lỗ đục trên thân dừa. Từ những lỗ đục này chảy ra chất màu đỏ nâu (mủ dừa) và những xơ do đuông đùn ra. Trong giai đoạn muộn hơn, các lá non bị héo dần, khi áp tai vào củ hủ dừa và gõ mạnh, sẽ nghe tiếng đuông đục phá bên trong và có mùi hôi thối.

* Biện pháp phòng trừ đuông (xem phần: Biện pháp phòng trừ kiến vương)

1.3. Bọ dừa:

* Cách gây hại:

- Thành trùng và ấu trùng đều gây hại. Bọ dừa không thích ánh sáng, chúng chỉ xâm nhập vào các kẻ lá dừa non còn xếp, chưa bung ra và gây hại bằng cách cạp ăn biểu bì trên mặt lá non theo từng hàng song song với gân chính.

- Những vệt cắn phá tạo thành những vết có màu nâu, làm cho lá bị cong vẹo và khô giống như bị cháy, bị rách và cây trở nên xơ xác.

- Nếu trên cây có từ 8 lá bị hại thì năng suất giảm, nặng hơn cây có thể bị chết.

* Cách phòng trừ:

- Dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật như: Actara (Thiamethoxam), Karate (Lambda-cyhalothrin), Abamectin,… để phòng và trị bằng cách phun thẳng vào đọt dừa, nhất là vào búp lá non. Hoặc trộn thuốc vào mạt cưa hay mụn dừa, dùng vải túm lại và nhét vào đọt non.

- Dùng ong ký sinh Asecodes hispinarum, kiến vàng để diệt bọ dừa, có thể dùng ong ký sinh để diệt bọ dừa rất hiệu quả khi bọ dừa phát tán trên diện rộng. (Việc nuôi và sử dụng ong ký sinh có tài liệu hướng dẫn riêng).

1.4. Bọ vòi voi

Nhận dạng: Bọ vòi voi trưởng thành là côn trùng có bộ cánh cứng màu nâu đen. Chiều dài con trưởng thành khoảng 7-8 mm, chiều ngang khoảng 1,5 mm, có 2 đốm vàng ở đầu cánh và cuối cánh, hoạt động mạnh lúc chiều tối.

* Cách gây hại: Chúng đẻ trứng trên vỏ trái dừa non, nhất là chung quanh cuống hoặc trong các vết thương ở vỏ trái. Trứng nở ra ấu trùng màu vàng lợt, sâu non đục phá vào trong vỏ trái thành lỗ, hang. Từ đó, mủ chảy ra có màu trong suốt chuyển dần sang màu vàng, nâu và khô cứng, làm rụng trái non hoặc để lại nhiều sẹo, trái dừa bị giảm giá trị Nếu bọ tấn công nặng, có thể dừa bị rụng cả quày.

* Cách phòng trừ.

- Vệ sinh vườn dừa thường xuyên. Phát hiện những trái bị nhiễm nên tiêu hủy để hạn chế phát tán lây lan.

- Sử dụng các loại thuốc hoạt chất Chlorpyrifos ( Lorsban, Mapy,…), Fipronil( Regent, Vi-Rigent,…) để phòng trị bằng cách phun xịt lên khắp các buồng trái non của cây dừa.

1.5. Bọ xít trái Amblypelta sp:

Là một trong những nguyên nhân phổ biến gây rụng trái non và dừa mủ.

Bọ xít chích hút vào trái non (từ 3 đến 5 tháng tuổi) và tiết độc tố vào vết chích, làm cho vùng mô chung quanh bị chết, tạo các vết hoại thư thường có màu đen dạng hình thoi xếp khít nhau, làm trái non bị chảy mủ và rụng sớm, hoặc phát triển nhỏ hơn bình thường, bị nhăn nheo, méo mó, giảm năng suất và giá trị thương phẩm.

* Phòng trị:

- Vệ sinh vườn cho thông thoáng, không trồng quá dày.

- Nuôi kiến vàng trong vườn dừa, vì kiến vàng là thiên địch trị bọ xít rất hữu hiệu.

- Khi bị bọ xít phá hại nhiều, có thể sử dụng các loại thuốc nhóm cúc tổng hợp như: Fastac, Bulldock, Sherbush, Karate để phun xịt.

1.6. Rệp dính

Khi phát hiện trên lá có một lớp muội đen (nấm bồ hóng) hoặc kiến hôi làm tổ ở những bẹ lá là có dấu hiệu của rệp dính.

* Cách phá hại:

Rệp dính phá hại vào mùa khô trên những cây dừa đang lớn, hay chích hút bông, mo, cuống trái dừa non

Rệp dính cũng gây hại trên một số cây trồng khác nhau như: cam, quýt, mãng cầu…Vì vậy khi chúng xuất hiện trên những cây nầy, thì cũng có thể có trên dừa.

* Phòng trị:

- Thường xuyên dọn sạch sẽ thông thoáng tán dừa.

- Tiêu hủy những tàu lá bị rệp gây hại.

- Dùng thuốc Imidacloprid (Admire, Yamida, Conphai), Chlopyrifos ethyl (Maxfos, Mapy) phun trên lá bị hại 2 lần cách nhau 7-10 ngày.

2. Bệnh hại dừa:

2.1. Bệnh đốm lá:

Do nấm Pestalozzia palmarum.

Triệu chứng: từ chóp lá vào, đầu tiên xuất hiện những đốm nhỏ nâu vàng hình bầu dục, sau đốm bệnh lớn dần có màu nâu, tâm vết bệnh màu xám tro. Nhiều vết bệnh liên kết thành mảng lớn làm cho lá bị cháy.

*Phòng trị:

- Không trồng dày.

- Bón phân cân đối, đầy đủ, nhất là kali.

- Thoát nước mương vườn tốt.

- Sử dụng thuốc Mancozeb, Rovral để phun xịt.

2.2. Bệnh thối đọt:

Do nấm Phytophthora palmivora Bult.

Bệnh thường xuất hiện trong mùa mưa, lúc ẩm độ cao. Đầu tiên các lá non có dấu hiệu mất màu xanh bình thường. Sau đó, lá vàng và cuối cùng khô rụng. Cắt ngọn dừa có phần hôi và bị thối, các lá dưới cũng dần dần bị vàng và khô.

Phòng trừ:

Từ lúc bệnh xâm nhập tới đọt bị chết kéo dài từ 3 – 5 tháng. Nếu phát hiện sớm khi lá đọt mới bị vàng nên cắt bỏ phần bị hư rồi phun thuốc trừ nấm như: Eddy, Aliette, Mataxyl, Ridomil … Nếu cây bị chết thì nên đốn và tiêu hủy.

2.3. Rụng trái non:

Rụng trái non là một hiện tượng thường gặp trên dừa. Trái non khoảng 2 – 3 tháng tuổi bị rụng, tỉ lệ rụng 30 – 50% số hoa cái có trên bông mo.

Các cây mới bắt đầu cho trái thường bị rụng trái non rất nhiều, trái thường bị rụng ở phần tiếp giáp lá bao với đầu trái.

* Nguyên nhân:

- Nếu trái rụng trong suốt mùa khô hay sau một vài cơn mưa đầu mùa có thể do đất bị thiếu nước trong mùa khô. Những vùng đất bị nhiễm phèn, nhiễm mặn trong mùa khô làm bốc phèn, mặn ảnh hưởng đến bộ rễ.

- Nếu trái rụng vào lúc mưa dầm kéo dài nhiều ngày kèm theo có hiện tượng nứt đít trái có thể do đất thoát nước chưa tốt .

- Đất thiếu dinh dưỡng, nhất là thiếu kali hoặc bón quá nhiều phân đạm cũng làm trái bị rụng.

- Rụng do nấm bệnh: Quan sát trái rụng thấy lá đài và mầu dừa có màu đen, thối mềm.

- Rụng do vi khuẩn: Quan sát trên mầu trái dừa có mủ, phần nhiều các lá đài vẫn còn xanh.

- Rụng do sâu: Do các loại sâu tấn công bông, trái non, bọ xít, bọ vòi voi…

Ngoài ra, mức độ rụng trái còn do yếu tố di truyền.

* Biện pháp khắc phục:

- Thực hiện tốt công tác chọn giống.

- Vệ sinh vườn dừa tạo sự thông thoáng.

- Vét mương bồi bùn, cung cấp nước trong mùa khô, thoát nước tốt trong mùa mưa lũ.

- Đất bị nhiễm phèn, mặn nên bón bổ sung vôi, phân hữu cơ đã ủ hoai mục.

- Bón phân cân đối đầy đủ dinh dưỡng như hướng dẫn.

- Đối với tác nhân do nấm, để phòng trị, có thể dùng các loại thuốc Score, Ridomil, Eddy… Do vi khuẩn dùng Starner, Kasuran phun trên tất cả bẹ lá và buồng trái.

- Rụng do sâu thì dùng các loại thuốc trừ sâu như: Abamectin, Karate ,… (liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì), nên phun vào lúc chiều tối để hạn chế gây hại cho ong mật, kiến vàng.

Khi xử lý thuốc trừ sâu, bệnh nên kết hợp với chế phẩm tăng đậu trái.

3. Chuột, sóc:

Chuột phá hại bằng cách khoét lỗ ở phần mềm gần cuống trái; sóc thường khoét phần gần đáy trái để ăn cơm dừa và uống nước làm trái rụng.

*Phòng trị:

- Vệ sinh vườn dừa và tán dừa.

- Tăng cường săn bắt chuột, sóc khi phát hiện nơi chúng trú ẩn và sinh sản.

- Trồng đúng khoảng cách để tránh cây giao tán nhau, không cho chuột, sóc chuyền từ cây này sang cây khác.

- Đối với các cây dừa cao trên 5m, có thể dùng tôn mạ kẽm rộng 50cm quấn chung quanh thân cây dừa để hạn chế chuột, sóc leo lên.

- Đặt bẫy hoặc bã mồi trên các bẹ lá (cần đặc biệt lưu ý các qui định về an toàn khi sử dụng thuốc trừ chuột).

>> Xem thêm: Hướng dẫn kỹ thuật trồng Dừa Xiêm xanh lùn